Oai linh gò Đống Đa

Cập nhật 12/09/2010 09:15

Gò Đống Đa nay nằm trên phố Tây Sơn thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Sử sách chép: khu vực này là nơi diễn ra trận thắng oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng,...

Chiều mùa hạ, sau cơn mưa, trời Hà Nội xanh trong. Tôi đứng trên đỉnh gò Đống Đa, một trong những nơi có địa thế cao nhất trên đất Thăng Long - Hà Nội (chỉ sau núi Nùng). Cỏ cây ngút ngàn, xanh mướt, hoang sơ. Tiếng xe cộ vọng lên rì rầm, mùi khói bụi không đủ sức xuyên qua những kẽ lá. Dấu oai hùng dẫu nằm giữa nơi phố phường vẫn không mất vẻ u tịch, oai linh.


Trung Liệt miếu uy nghiêm giữa gò Đống Đa.

Gò Đống Đa nay nằm trên phố Tây Sơn thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Sử sách chép: khu vực này là nơi diễn ra trận thắng oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, do đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy vào đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) đập tan đồn Khương Thượng của giặc Thanh. Tướng giặc Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn).


Khách tham quan gò Đống Đa.

Trận đánh đã mở đường cho đại quân ta từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào giải phóng Thăng Long. Sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác quân giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là “kình nghê quán” (gò tô chôn xác kình ghê - hai loài cá dữ ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công của quân ta và cảnh cáo các thế lực ngoại xâm. 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa.


Cổng chính dẫn lên đỉnh gò.

Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ thấy nhiều hài cốt giặc, nhân dân Hà Nội đã thu nhặt chôn vào một hố to, đắp cao lên thành gò cạnh núi Ốc (Loa Sơn). Dần dần chiếc gò mới này được đắp rộng và cao thêm, dính liền vào núi Ốc và cũng được gọi là gò Đống Đa. Sau khi chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi tất cả 12 chiếc gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Vậy gò Đống Đa hiện nay, thực chất là chiếc gò thứ 13 còn xót lại.


Đường mòn về dấu xưa.

Diện tích của gò bây giờ là 6.275 m2, bao gồm khu gò đã được tôn tạo thành gò tự nhiên. Cổng chính để lên gò nằm trên phố Tây Sơn. Tiến vào theo hướng này chúng ta sẽ bắt gặp một cổng tam quan dẫn lên gò, bên trên có ghi ba chữ: “Trung Liệt Miếu” (miếu Trung Liệt). Miếu này vốn được xây dựng năm Chính Hòa thứ 6 đời vua Lê Hy Tông (năm 1685) tại thôn Trung Phường, xã Yên Hòa, huyện Thọ Xương (chỗ phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội bây giờ) thờ các công thần tiết liệt với nhà Lê.


Vạc đá khắc ghi lời thề của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Thoạt đầu miếu thờ tuẫn nạn đệ nhất công thần Lê Lai, một trung thần đã hy sinh cứu Bình Định Vương Lê Lợi, sau này là vua Lê Thái Tổ. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, vua lại ngự giá cùng bá quan văn võ đến miếu Trung Liệt tham bái tưởng niệm. Đến thế kỷ XIX, miếu Trung Liệt được di rời đến gò Đống Đa. Miếu được phối thờ các tấm gương quan võ triều Nguyễn đã bỏ mình vì nước đặc biệt là trong công cuộc bảo vệ kinh thành Thăng Long.


Chiếc bàn đá trên đỉnh gò giờ là nơi các cụ già đàm đạo chuyện đời và đánh cờ giải trí.

Đó là bài vị lão tướng Nguyễn Tri Phương cùng người con trai, tướng Nguyễn Lâm bỏ mình trong trận Pháp công phá thành Hà Nội lần thứ nhất tháng 11-1873. Đó là Hoàng Diệu, Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Và người được đưa vào thờ ở Trung Liệt miếu một cách hơi muộn mằn (năm 1946) là người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung!


Người nay ôn lại tích xưa.

Gợi lại tích xưa trên đỉnh gò hoang, tôi thấy đau đáu và tiếc nuối những cột, những móng còn tươi màu son gạch. Có lẽ cách đây chưa lâu trên đỉnh gò Đống Đa đã từng nguy nga, đã từng sừng sững một tòa Trung Liệt miếu!


Cột đá rêu phủ còn đây, tòa Trung Liệt miếu bây giờ ở đâu?.

Đống Đa ngày nay, phía dưới là những dãy ô tô đỗ thuê ở khoảng sân trước Đền thiêng Trung Liệt, một chuỗi trò chơi nào là đu quay, nào tàu hỏa chạy điện... Còn trên cao nơi đỉnh gò, "rì rầm trong tiếng đất" còn vang vọng bên tai hào khí Tây Sơn một thời:

"Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò
Mùng 5 tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân"...


Lồng lộng tượng đài người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ giữa trời xanh.

DiaOcOnline.vn - Theo TTO