Một ngày cuối tuần ở Busan

Cập nhật 06/07/2008 10:39

Busan nằm về phía Đông Nam của Hàn Quốc là đô thị lớn thứ hai sau Seoul, dân số khoảng bốn triệu người. Busan được biết đến như thành phố của những bờ biển đẹp...

Busan nằm về phía Đông Nam của Hàn Quốc là đô thị lớn thứ hai sau Seoul, dân số khoảng bốn triệu người. Busan được biết đến như thành phố của những bờ biển đẹp và quê hương của liên hoan phim lớn nhất châu Á - Liên hoan phim quốc tế Busan. Có dịp ghé thăm Busan vào một ngày cuối tuần, chúng tôi dành hết thời gian khám phá không gian dọc theo bờ biển thành phố này.

Thành phố cảng

Trung tâm của Busan là khu Seomyeon, nơi tập trung những cửa hàng thời trang, quán ăn, tòa cao ốc dành cho mua sắm. Từ trung tâm Seomyeon lên tàu điện ngầm tuyến số 2 màu cam theo hướng Busan Yok (Ga Busan), chúng tôi hướng về phía Nam. Đi cùng chúng tôi là một người Hàn Quốc rất trẻ và phóng khoáng, thuộc Busan như trong lòng bàn tay và không ngừng giới thiệu về mọi thứ xung quanh.



Cầu Kwanganli ban ngày.


Ga tàu điện ngầm Busan Jin dẫn chúng tôi đến khu chợ cá nổi tiếng, nơi tập trung nhiều hue chip. Hue là tên gọi của món cá sống giống như món sushi của Nhật Bản, Chip có nghĩa là nhà. Vào một hue Chip ngay đầu chợ, ấn tượng đầu tiên là một bể cá to với hàng trăm con cá mà người Hàn gọi là Bun-o (cá vền hay cá tráp).

Người bán hàng tay thoăn thoắt lọc từng thớ thịt trắng hồng bỏ vào đĩa. Cá được bày lên đĩa gỗ to bản và lót bằng lá cọ vàng để dùng chung với mù tạt, tương ớt, rau cải xanh, ớt xanh và tỏi. Người Hàn không ăn nhiều mù tạt, chỉ bỏ một chút vào cho có mùi, chấm cá với tương ớt và cuộn với một lá rau cải xanh hay lá ket-ip (một loại lá có hương hăng hăng gần như lá tía tô). Ăn một miếng hue, cảm giác được cái dai dai sần sật của cá, cay cay của tương ớt, mù tạt, sau đó uống một hớp Sochu mát lạnh, tất cả quyện vào nhau cho một hương vị hue rất Hàn Quốc.

Sau cùng chúng tôi được thưởng thức món xúp đầu cá dùng chung với cơm. Nước xúp ngọt lịm được nêm nếm rất vừa miệng. Theo phong cách của người Hàn, chúng tôi húp cạn tô xúp to mà vẫn cảm thấy muốn ăn thêm. Giá của món hue không hề rẻ, chừng 3 man (khoảng hơn 450 ngàn đồng) cho hai người nhưng quả là “đáng đồng tiền bát gạo”.

Sau bữa trưa ngon lành, chúng tôi hướng về phía cảng Busan tại ga tàu điện ngầm Jungang Dong. Cảng nằm cạnh Văn phòng Xuất nhập cảnh Busan. Khách đi tàu biển cập cảng chỉ việc ghé qua đó làm thủ tục nhanh gọn. Rất nhiều khách người Nhật và cả Hàn thường xuyên di chuyển bằng tàu biển từ Osaka (Nhật Bản) đến Busan, lên tàu lúc 4 giờ chiều ở Nhật và cập cảng Busan lúc 10 giờ sáng hôm sau.



Thủy cung Aquarium.


Đến cảng Busan, từ xa đã nghe tiếng động cơ tàu thuyền ra vào đều đặn, cả tiếng động của những container bốc dỡ hàng tạo nên một không khí rất rộn rã. Gió từ biển thổi vào mang theo một mùi rất đặc trưng là mùi dầu mỡ của tàu và mùi nồng tanh của biển. Thành phố Busan với khẩu hiệu “Dynamic Busan” trên tấm pano ngay tại cổng văn phòng xuất nhập cảnh.

Mọi thủ tục đều khá đơn giản với hướng dẫn treo sẵn ở văn phòng tùy theo từng loại giấy tờ và phí làm thủ tục cũng được niêm yết rất rõ ràng. Mọi người đến lấy số thứ tự ở máy và ngồi chờ đến lượt. Rất dễ dàng để nghe được giọng Việt Nam bởi người lao động tại Busan và các tỉnh lân cận khá nhiều.

Haeundae, với những ngày hội

Tàu cập bến Haeundae - một bãi biển đẹp mà những ngày hè cuối tuần luôn đầy ắp mọi người đến chơi và sinh hoạt. Ánh nắng của bờ biển thu hút tất cả mọi người từ những cụ già, thanh niên và trẻ em đến hưởng không khí ấm áp sau một mùa đông lạnh giá.


Aquarium ở Haeundae là một trong những thủy cung đẹp nhất ở Hàn Quốc với rất nhiều loại cá được trưng bày. Giá vé vào cửa khá cao - 12 USD cho trẻ em và người lớn là 16 USD nhưng vẫn thu hút nhiều đoàn du lịch và trường học đưa học sinh đến tham quan. Cách tổ chức ở đây rất chuyên nghiệp, có cửa và thang máy dành cho người già, có bộ phận hướng dẫn viên và giới thiệu tùy theo đối tượng. Với những người lớn tuổi, các hướng dẫn viên chủ yếu giới thiệu chung các loại cá, nguồn gốc và để khách tham quan tự do quan sát.

Haeundae cũng là địa điểm tổ chức các ngày hội lớn của Busan như hội nghị APEC và đặc biệt là Liên hoan phim quốc tế Busan (PIFF). Cứ mỗi dịp tháng 10 là bờ biển này lại tràn ngập những gian hàng giới thiệu về liên hoan phim và các sân khấu ca nhạc cổ động. Haeundae có bờ biển dài 1,5km và bãi cát mịn, xung quanh là những khách sạn lớn, nên tất cả các hoạt động đều rất thuận lợi để thu hút khách du lịch.

Kwanganli, hương thơm của biển

Từ Haeundae, chúng tôi đi Kwanganli để ngắm cây cầu mang tên Ocean màu trắng nối liền Haeundae và Kwanganli được treo bằng hai trụ lớn với hàng trăm dây văng. Chúng tôi ngồi trên xe hơi mở cửa sổ để tận hưởng gió biển từ khoảng không gần 100m trên bờ, phía xa xa là bờ biển được bảo vệ bằng những tảng bê tông bốn trụ xếp chồng lên nhau rất vui mắt. Đây là cách bảo vệ sự ăn mòn và xâm lấn của nước mặn khá hiệu quả của chính quyền thành phố mà vẫn tạo được nét thẩm mỹ trong kiến trúc.

Nếu đi tàu điện ngầm từ trung tâm Seomyeon để đến Kwanganli mất khoảng 30 phút, sau đó thêm 10 phút nữa để đi bộ ra bãi biển. Khi gần đến ga Kwanganli, bỗng nghe thấy tiếng chim hải âu. Người bạn giải thích rằng đó là tín hiệu của tàu điện khi sắp đến khu vực bờ biển. Bãi biển Kwanganli ít người tắm, đa số chỉ đến đây để vui chơi, đi dạo.

Khách, đa số là các đôi tình nhân hay các cụ già, bởi không khí ở đây tĩnh lặng hơn. Chập choạng tối, nhiều người tìm đến quán Oteng - quán ăn hàng giống như quán bò bía ở Việt Nam, chuyên bán chả cá luộc, ruột non heo nhồi miến, ớt, khoai lang chiên. Khi bán một khúc lòng heo nhồi, chả cá luộc và cả tok (miếng bột gạo được xào với xốt ớt), biết tôi là người nước ngoài, người phụ nữ bán hàng đứng tuổi tươi cười bỏ thêm vào bịch vài miếng khoai và ớt tẩm bột chiên giòn và nói “So-vi-sư” (service - khuyến mãi).



Một quầy bán đồ hải sản.


Kwanganli đẹp nhất là vào buổi tối. Khi đó cây cầu Ocean được bật đèn sáng trưng, từ xa nhìn lại thấy một chùm sao kỳ lạ trên bầu trời. Những bồn cây và vô số các bậc thang là nơi rất lý tưởng cho mọi người nghỉ chân chuyện trò. Người Hàn ra bờ biển chơi ai cũng có mang theo một tấm bạt khá dày nhưng nhẹ tênh. Trải bạt xuống sát mép bờ biển, bày vài món ăn dân dã, thêm một chai rượu Sochu là thoải mái thưởng thức không khí mát mẻ về đêm ở bờ biển và nhâm nhi sự lãng mạn của người Hàn.



Bãi biển Kwanganli đông đúc nhưng rất ít người tắm.


Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần