Kinh ngạc những di hài nạm châu báu của các vị Thánh

Cập nhật 11/09/2013 00:59

Những bộ xương khô hàng trăm năm tuổi của các vị thánh Ki-tô “tử vì đạo” bị quên lãng trong các hầm mộ khắp châu Âu cùng với hàng hà sa số ngọc ngà châu báu.

Những bộ xương khô hàng trăm năm tuổi của các vị thánh Ki-tô “tử vì đạo” bị quên lãng trong các hầm mộ khắp châu Âu cùng với hàng hà sa số ngọc ngà châu báu.

Paul Koudounaris, một giáo sư sử học đến từ California, người được mệnh danh là “Indiana Bones”, đã dành trọn ba năm ròng để khám phá những nhà thờ cổ kính và bí ẩn nhất trên khắp châu Âu.

Kết quả là ông đã có được một bộ sưu tập ảnh cực kỳ ấn tượng về những hầm mộ lâu đời cùng với các hiện vật rùng rợn ẩn chứa bên trong. Trong đó, gây ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh của những bộ xương khô hàng trăm năm tuổi, được cho là di hài của những vị thánh Ki-tô, từ những khu vực linh thiêng nhất được gọi là Hầm mộ Thánh – Catacomb.

Được trang trí với hàng trăm loại đá quý bao gồm kim cương, ruby, lam ngọc, ngọc trai… cùng với rất nhiều vàng bạc, những bộ xương khô này theo các ghi chép còn lưu giữ thì chính là di cốt của những vị Thánh.

Chúng đã được đào lên từ một hầm mộ La Mã vào thế kỷ 16 và sau đó đang rước đến lưu giữ tại các nhà thờ nằm rải rác quanh một khu vực rộng lớn bao gồm lãnh thổ của Đức, Áo và Thụy Sỹ.

Việc cải táng này đã được tiến hành theo chính yêu cầu của tòa thánh Vatican nhằm bảo vệ các di hài thiêng liêng trước những sự phá hoại trong cuộc “Cải cách Tin Lành” được tiến hành vào những năm 1500.

Di hài của Thánh Valerius tại tu viện Weyarn

Thánh Albertus và Thánh Felix, những bộ xương được bọc kín trong vàng bạc và châu báu.

Thân thế của những bộ hài cốt này cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Người ta cũng cho rằng không ai trong số những người này đủ điều kiện để trở thành một vị Thánh, và Vatican đã ký giấy chứng nhận “Tử vì đạo” cho họ ngay khi những bộ xương được đào lên.

Những bộ hài cốt được đóng gói trong các hòm bằng gỗ và được chuyển từ Roma đến những tu viện khác nhau trong khu vực trung tâm châu Âu. Tại đó, các nữ tu sỹ trang trí bộ xương với rất nhiều vàng bạc và châu báu mà nhà thờ quyên góp được.

Di hài thánh Vincentus ở tu viện Stams (Áo) được trang trí với rất nhiều vàng lá.

Kể từ đó, những bộ xương này được coi là di hài của các vị Thánh “tử vì đạo”, và được Nhà thờ cũng như con chiên thập phần kính ngưỡng.

Sau khi được trang trí cực kỳ xa hoa và ấn tượng, những “vị Thánh” này được trưng bày công khai tại những nơi trang trọng nhất của Nhà thờ, và nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của đức tin, đồng thời cũng chứng tỏ sức mạnh của Giáo hội Ki-tô trong một khu vực mà trước đây là địa phận của đạo Tin Lành.

Việc tiếp cận với các di hài này được kiểm soát nghiêm ngặt. Chỉ có những người được sự cho phép đặc biệt của Tòa thánh mới có thể tiếp xúc với chúng. Ngay cả việc trang trí, bảo quản cũng được quản lý rất gắt gao.

Di hài Thánh Benedictus với rất nhiều ngọc trai và đá quý

Những di hài này được tạo hình rất ấn tượng và ma quái. Bên trái là Thánh Deodatus tại tu viện Rheinau (Thụy Sỹ) và bên phải là thánh Valentinus tại Waldsassen.

Tuy nhiên đến khoảng đầu thế kỷ 19, các Thánh tích này bắt đầu bị săm soi về nguồn gốc không rõ ràng, cũng như việc chúng gắn liền với một thời kỳ không lấy gì làm tốt đẹp trong lịch sử của Thiên Chúa giáo.

Thế rồi người ta quyết định “hạ bệ” chúng. Các di hài này đã không còn được trưng bày trong thánh đường nữa mà bị chuyển vào các quan tài kín đáo để bảo quản. Đồng thời, các “vị Thánh” cũng bị tước danh hiệu cuối cùng là bị nhân thế lãng quên trong các tầng hầm tối tăm của nhà thờ suốt hàng trăm năm sau đó.

Thánh Getreu tại Ursberg (Đức) được đội một chiếc vương miện bằng vàng với những viên ruby và lục bảo rất lớn.

Người ta thậm chí còn tạo nên mắt giả cho di hài của Thánh Luciana ở Heiligkreuztal (Đức) khiến cho nó trở nên rất ma quái và đáng sợ.

Câu chuyện của các vị Thánh bị người đời quay lưng này, chính vì thế mà được rất ít người biết đến. Và nhà sử học Paul Koudounaris cảm thấy nhiệm vụ của ông là kể lại câu chuyện hấp dẫn này.

Ông đã thu xếp một cuộc hành trình kéo dài đến ba năm, rong ruổi đến rất nhiều nơi trên thế giới từ Áo, Đức, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Ai Cập cho đến Peru, Ecuador… để ghi lại câu chuyện về những bộ hài cốt “thánh tích” bị lãng quên, tập hợp thành một cuốn sách ấn tượng có tựa đề là “Đế chế của cái chết” (Empire of Death) vừa được xuất bản thời gian qua.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC