Khuấy ly ký ức

Cập nhật 13/05/2008 16:06

Con phố nhỏ, nơi những bước chân đi chầm chậm rồi ngập ngừng dừng trước những cửa tiệm, nơi phảng phất chút gì xưa cũ bởi cái tỷ lệ nhỏ bé của cấu trúc dãy phố...

“Mời em vào quán thời gian
Khuấy ly ký ức, uống làn hương xưa”
(Hoàng Nhuận Cầm)

Con phố nhỏ, nơi những bước chân đi chầm chậm rồi ngập ngừng dừng trước những cửa tiệm, nơi phảng phất chút gì xưa cũ bởi cái tỷ lệ nhỏ bé của cấu trúc dãy phố, bởi cái không khí sống vừa yên ả, lại vừa sầm uất của con đường thương mại xen lẫn đời sống gia đình. Con phố đã có một quá khứ, một hồn cốt, sang trọng mà khiêm nhường, giàu có mà không xa cách. Con phố nhỏ nối hai “tên tuổi” lớn ở trung tâm Sài Gòn là Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, số phận của nó gắn liền với những biến cố thời cuộc, nên bộ mặt thay đổi không ngừng.

Hấp dẫn nhất là ở đây, chỗ ngồi của buổi chiều và khi màn đêm buông xuống, cái ban công nhỏ không chỉ là một thành phần của nhà hàng, mà đã tham dự như một thành phần trong cái không gian chung của khu phố.



Không dài quá năm căn nhà phố, tính cả hai bên hè chừng mươi gia đình, thường là khá giả, với những câu chuyện đời mà trong bữa cơm tối nhà này đều có thể nói về nhà kia, nhưng không phải lối ngồi lê đôi mách, mà chỉ tỏ cái sự biết nhau.

Nhưng đó là chuyện ngày xưa của con phố mang tên Nguyễn Thiệp.

Còn có câu chuyện ngày xưa của một ngôi nhà.

Tơ lụa - đời người

Bức tường, nơi có những khuôn hình như những trích đoạn của một cuốn phim, kể câu chuyện xưa cũ của một ngôi nhà.



Bây giờ hầu hết là những cư dân mới đến, chỉ còn lại chừng hai ba căn là gia đình đã sống ở đây qua nhiều thế hệ. Ở một trong vài ba căn hộ còn lại đó, có một quán ăn mới mở. Cái lí do mở của chủ nhà là vì chính ngôi nhà, vì nỗi ám ảnh về cuộc đời những người từng sống ở đây, với ý muốn là khi khách đến, vừa nhấp ly rượu chát, vừa được nghe một câu chuyện kể…

Nguyên dãy phố là của một chủ sở hữu lừng lẫy một thời, công ty Hui Bon Hoa, của chú Hỏa, nhân vật mà người đời đã thêu dệt chung quanh biết bao nhiêu huyền thoại. Nhưng câu chuyện về những người đã sống trong ngôi nhà này từ cách đây 70 năm thì không phải là huyền thoại.

Mặt tiền ngôi nhà được cải tạo nhưng vẫn theo tỷ lệ và trung thành với cái hồn cốt của dãy phố.



Năm 1938, một người phụ nữ đẹp gốc Bắc, một thương gia xuất thân nhà báo, vợ một chủ bút kiêm chính khách (ông chủ bút tờ Tân Thế Kỷ, một tờ báo tiếng Việt có tinh thần yêu nước lúc ấy), đã mở tại đây một cửa hàng tơ lụa, chuyên bán lụa Hà Đông. (Có tà áo nào đi ra từ địa chỉ này để rồi “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát” về sau?).

Những súc lụa từ Hà Đông gửi ra Hà Nội hay qua ngả Hải Phòng để vào Sài Gòn, do một người phụ nữ đẹp khác, là em gái bà chủ tiệm, làm đầu mối.

Những súc lụa lúc đầu bán ở Sài Gòn, rồi xuống tàu biển, xuất cảng qua Pháp. Những súc lụa vừa đi theo đời người, vừa dẫn dắt đời người.

Những biến cố của lịch sử, ông chủ bút kiêm chính khách cũng không nằm ngoài tác động của thời cuộc. Những thăng trầm, những nỗi truân chuyên, được mất, những cay đắng, ngọt bùi trong cuộc đời một người vợ là thương gia có chồng thích lao thân vào chính trị.

Tất cả đều xảy ra ở đây, trong ngôi nhà này.

Và “nhà – quán” hôm nay

Những hình ảnh ký ức, nỗi ám ảnh về những câu chuyện kể, kết hợp với một quan niệm riêng về một không gian hưởng thụ, tất cả được kết nối, nhào trộn thành cảm hứng để kiến trúc sư, cũng là chủ quán, tạo nên không gian nội thất cho “ngôi - nhà - quán” của mình.

Cho nên “concept” đầu tiên của người thiết kế là muốn tạo cho quán một không khí, là không khí của một ngôi nhà, một ngôi nhà có lịch sử, có sự ấm cúng và có tính gợi. Cái không khí của ngày hôm qua chỉ được gợi ra, chứ không sa vào nệ cổ. Và để kể một câu chuyện thì không gian cần có sự dẫn dắt.

Quá khứ chỉ là chút gợi từ những viên gạch, và một chút thấp thoáng qua cái khoảng thông tầng. Còn ngày hôm nay vẫn phải là của những đường nét đơn giản, mạch lạc. Trong cái màu ấm nóng mang chút u hoài, căn phòng được cân bằng bởi màu xanh óng ánh của những viên gạch gốm ở vách quầy bar, hay trên mặt bằng gỗ.



Những không gian liên tục thay đổi từ tầng trệt, qua gác lửng rồi lên tầng lầu một. Tầng trệt như một lời giới thiệu, một khúc mào đầu về ngôi nhà qua cách sử dụng vật liệu, màu sắc và kiểu dáng đồ nội thất. Những viên gạch mới mà thành cũ. Đứng ở đây, khách đã thoáng nhận ra quá khứ qua cái khoảng thông tầng: trên gác lửng, bên cạnh cây đàn piano cũ là hình ảnh người mẹ thời xuân sắc. Bộ sofa cũng mang dáng dấp của những ngày tháng hoàng kim thuở nào.

Cái cầu thang gỗ kính của ngày hôm nay, có cái đơn giản của hiện tại, có cái mộc mạc và vẻ cũ kỹ không sơn phết của quá khứ, dẫn lên từng tầng, dẫn dắt mà như không. Người đi như bị hút mắt bởi những không gian luôn biến đổi, bởi từng tầng nấc cảm xúc, mà quên đi cái cảm giác ngại ngùng khi bước lên cao.

Gác lửng như một nấc dừng chân ngắn ngủi, chỉ để nhấp một ngụm từ cái ly ký ức mới được đưa ra.

Quá khứ là ở tầng trên, phòng ăn lầu 1.

Nơi đây chính là căn phòng của quá khứ, không khí, đường nét, màu sắc và ánh sáng là sự khơi gợi quá khứ.



Những bức hình đen trắng trên tường, những người phụ nữ đẹp, những tà áo dài lụa Hà Đông tung tăng giữa phố Sài Gòn, hay khăn vuông mỏ quạ quàng đầu trong tuyết trắng Paris.

Đây là câu chuyện của ngôi nhà.

Không gian mở và những vách ngăn bằng kính tạo cái nhìn xuyên suốt. Tầm nhìn luôn được hút sâu vào trong lòng ngôi nhà, cái giếng trời giữa ô cầu thang thả xuống một luồng sáng tự nhiên mờ ảo.

Một góc nhìn xuyên suốt. Những bậc gỗ mộc không sơn phủ đi cùng tấm kính, không phải chỉ là chuyện cũ - mới, mà hiệu quả về không gian mới là hiệu quả chính.



Những chỗ ngồi ngoài trời ở ban công là những góc riêng cho khách cảm nhận từ trên cao con đường phía dưới, nơi có những bước chân ngập ngừng của du khách trước mỗi cánh cửa các căn shop hay nhà hàng. Ngày trôi rất chậm, để cho nơi đây khách có thể vừa nhâm nhi những ngụm vang chát sầm sậm trong ánh chiều tà, vừa cảm nhận một chiều kích khác của Sài Gòn muôn mặt, chiều của thời gian.


Không gian tầng lửng, nơi có không khí nhẹ nhàng, thư giãn, nơi có thể ngồi nhâm nhi cà phê và ngắm phố qua cửa sổ, với tầm nhìn vừa bao quát vừa gần gũi.



Sự tinh giản của nét đương đại ở tầng lửng, lan can cầu thang, bar rượu như một sự kết nối khéo léo giữa các góc nhìn có phong cách khác nhau, nhẹ nhàng theo một trình tự tự nhiên.

Đấy là câu chuyện về không gian kiến trúc mà người thiết kế - chủ quán muốn gửi gắm.

Theo Kiến Trúc Nhà Đẹp