Hồn Huế trong nhà rường

Cập nhật 01/02/2008 09:51

Ẩn mình sau những ngôi nhà phố với nhiều kiểu kiến trúc lai tạp là một khu vườn cũ nhà xưa mà chỉ mới bước qua vòm cổng đã thấy nao lòng...

Gần gũi, ấm áp và thật êm đềm. Đó là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân vào ngôi nhà ấy. Cái tổ ấm của Cẩm Tú và Bá Vinh, nằm sâu trong con hẻm 12 đường Nguyễn Phúc Nguyên, Hương Long. Ẩn mình sau những ngôi nhà phố với nhiều kiểu kiến trúc lai tạp là một khu vườn cũ nhà xưa mà chỉ mới bước qua vòm cổng đã thấy nao lòng.


Một không gian xanh dễ chịu, tiếng chim ríu rít nơi góc hè, nụ hoa súng hàm tiếu dưới hồ bán nguyệt trước sân nhà, mấy ngọn lửa còn những đốm than hồng của cành củi khô vùi trong tro bếp và ấm nước chè xanh đang bốc khói… Đó là Vinh Tú Viên, và đó cũng là nhà hàng có cái tên lạ lùng “Thả om”.

Khu nhà rường ấy đã vẫn tạo ra cho người ghé qua thoáng chốc như tôi một sự yên ả, lòng như lắng lại. Ở đây không chỉ có vẻ đẹp mộc mạc để mê đắm mà còn chất chứa một sức sống đầy sinh động cho con người…

Hãy nghe chủ nhân khu vườn kể: “Cũng lắm lúc hai vợ chồng em ngồi lặng, say sưa ngắm những phù điêu được chạm khắc bằng tài năng và tấm lòng của người xưa trên những vuông gỗ kiền, gỗ lim láng mượt, những kèo cột đen bong, lên nước màu thời gian…

Nói chị đừng cười, em nghĩ: Láng mượt như rứa là vì biết bao lần hắn được vút ve trìu mến bằng bàn tay, ánh mắt người đẽo gọt, bằng sự tự hào, sung sướng của chủ nhân hắn! Và ở cái cột này, rõ ràng là đã có mái tóc óng mượt của nàng tiểu thư nào đó bao lần tựa vào mơ màng ngóng đợi tơ trời…Có như rứa, chừ hắn mới đen tuyền và thơm đến vậy?.”


Hai vợ chồng họ tìm mua những nhà rường xưa cũ mà có thời người ta coi như là “cục nợ”, vì : “Nhà chi mà đi ra đụng cột, đi vô đụng cột, đèn thắp cứ túi thui túi mò”…Tuồng như người bây giờ chỉ thích nhà phải có một bộ ghế salon to đùng để giữa nhà mà ngồi dựa ngửa cho sướng. Nhưng để hắn trong nhà rường thì coi sao được! Ngồi trường kỷ xưa thì phải ngồi thẳng lưng, thẳng gối, mệt! Thế là họ mua linh hồn Huế rẻ hơn củi, có những xác nhà họ mua từ …lò bánh mì.

Trong một lần rong ruổi thấy một tai sập gụ, bằng gỗ lim, chạm trúc hóa (hóa rồng), nét chạm đẹp lạnh người, họ mua 50 ngàn đồng khi thấy chủ nhà đi làm ruộng về, đang rửa chân bên giếng nước, đứng mài mài gót chân nứt nẻ lên những đường nhấp nhô của bức chạm nằm ngang trên đất. Một cuộc mua bán diễn ra mà ai cũng hài lòng vì thấy mình lời hơn tưởng tượng.

Rồi còn vô số những cái “đẹp dễ sợ” bị vứt đi không chút thương tiếc, như ngói liệt làng Sãi ở Quảng Trị chẳng hạn. Đó là một công nghệ vô song! Đi cả thế giới, dám chắc chẳng ai có loại ngói lợp nhà như vậy. Một tấm ngói lớn hơn bàn tay một chút, dày ba li, bằng phẳng không mấu chốt gì cả. Thế mà, tay thợ lợp tài hoa người Huế sắp chồng đan ken mười lớp khít rịt, nằm thẳng tắp êm re.


Mái lợp xong, nơi khoe lên, nơi chùng xuống, mềm như lụa. Cẩm Tú nói rằng: “Lần bão lụt vừa rồi em ngủ một giấc tới sáng, thức dậy mở chốt cửa, hỡi ôi, vì nước đã tràn vô sân đụng thềm. Cây ngọc lan nằm dài ngâm mình trong làn nước bạc. Không phải em là…Tôn Nữ đểnh đoảng đâu, tại cái tài của ông cha làm ngôi nhà chống bão. Mưa trên mười lớp ngói liệt, êm ái như tình ca. Bão đã có giao cù xẻ gió…Em còn lo chi nữa?”. Nghe Tú nói tôi mới giật mình…


Và rồi hai vợ chồng ra sức “tát bể đông”, cứ cóp nhặt, cóp nhặt…ngày qua ngày, lặn lội khắp nơi. Là kỹ sư xây dựng nhưng anh Phạm Bá Vinh từng làm đủ thứ công việc của người thợ, nào đúc gạch, phụ hồ…và cũng là thợ cả, là thầy của nhiều người thợ. Chính anh tự xây cái cổng nhà mình chỉ tuyền bằng gạch mộc, bây giờ cây thằn lằn đã phủ kín một màu xanh huyễn hoặc.

Có lần anh nói bằng giọng nhẹ chỉ vừa để tôi nghe về chức năng của cấu trúc nhà rường, nào bậc ngạch cửa cao thấp, nào hình khắc chạm: chỗ nào phải là hình hoa lá, chỗ nào hình song lửa. Tại sao dốc mái phải thẳng, dùng đòn bẫy kê đỡ mái hiên, cột to phình ở phần dưới và chạm trổ nhiều. Rồi kèo cong cột thẳng để chia lực. Rồi tỷ lệ xuyên trính phù hợp…


Một ngôi nhà rường dù chỉ bằng gỗ tre, phên đất nhưng luôn hội đủ ba tiêu chuẩn: “vững chắc, tiện nghi và dung hòa” bởi vì mỗi thứ dựa vào nhau, ôm lấy nhau hợp lý, nhất nhất đều có sự gửi gắm, mong đợi của người xưa. Người yêu quý nhà rường thường trải rộng lòng ra với thiên nhiên, ngôi nhà bốn bề cửa gỗ mở ra chan hòa nắng gió. Khi cần thì đóng lại, kín đáo và ấm áp dù giữa mùa đông lạnh lẽo.


Nhà rường nếu xây gạch thì độ ẩm cao, nhưng tứ bề bằng gỗ thì thông thoáng. Giữa những nhà rường là một cái nhà cầu xinh xắn, bên dưới có hồ giúp giảm nhiệt độ vào mùa hè. Nhà rường kết cấu bằng mộng, và đó là một cấu trúc hết sức chặt chẽ…Nhiều vô kể cái hay cái đẹp. Ngôi nhà rường của ông cha mình quả là một cuốn sách hay dạy làm người!

Theo KT Nhà Đẹp