Hà Giang nơi cổng trời

Cập nhật 14/03/2008 14:57

Bất ngờ. Đó là cảm giác của rất nhiều người yêu kiến trúc sau khi đã đặt chân tới Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh…những vùng đất rất gần với miền Trời...

Bất ngờ. Đó là cảm giác của rất nhiều người yêu kiến trúc sau khi đã đặt chân tới Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh…những vùng đất rất gần với miền Trời. Không gian sống của các dân tộc H’mông, Lô Lô, Tày, Dao, Hoa…Chắc chắn là những tác phẩm kiến trúc hoàn hảo, bài học lớn về việc sử dụng chất liệu tự nhiên, một khái niệm chuẩn xác về năng lực hưởng thụ và tôn vinh vẻ đẹp hoành tráng của thiên nhiên.


Ngôn ngữ của vật liệu

Tín hiệu dễ nhận thấy và đặc trưng lớn nhất về nhà của người dân ở vùng cao phía bắc Hà Giang là nhà trình tường đất, lợp ngói âm dương, bờ rào được xếp bằng đá.


Người dân tộc Dao, Pà Thẻn ở vùng thấp của Hà Giang như huyện Vị Xuyên, Bắc Quang…thì giỏi về việc sử dụng tre, nứa làm tường, rào, vì kèo. Nhà dân vùng này thường gắn với mặt nước như ao, ruộng, sông, suối lấy đó như một thiết bị điều hòa nhiệt độ.

Trong nhiều ngôi nhà, bức tường chỉ đan vách đứng, sáo mà không trát bùn rơm hay vữa để đón gió làm mát vào mùa hè. Vào mùa đông, ngôi nhà được những bức tường “mềm” gồm cây gỗ, củi, cỏ bao phủ, che chắn gió lạnh. Cách làm này không chỉ giảm chi phí xây cất mà còn tạo cho ngôi nhà dáng vẻ nhẹ nhõm, thanh thoát và nổi bật hơn bởi tính kỹ năng trang trí.


Nhưng ở vùng của Hà Giang, trong điều kiện chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa các mùa, giữa ngày và đêm vì thế phần lớn các ngôi nhà được trình tường đất. Người ta đổ đầy đất sét vào khuôn rồi giã, lèn thật kỹ tạo nên những bức tường dày khoảng nửa mét và đủ cao để có thêm phần gác xép. Bức tường phía trước ngôi nhà thường có khoảng hở rất lớn với mái. Các xà ngang có thêm công dụng làm giá đỡ chứa hồ.

Mùa hè người dân bỏ trống để đón nhiều gió vào nhà. Mùa đông, vị trí này được phơi, cất các laọi củ, quả, cỏ, củi đồng thời che chắn gió lạnh. Tường đất và mái ngói âm dương là giải pháp rất hữu hiệu để giữ ấm về mùa đông rét buốt và làm mát vào mùa hè nóng bức.


Bên ngoài ngôi nhà, bờ rào đá được xếp, ghép có vẻ rất giản đơn, tuy không có chất kết dính nhưng rất bền vững, khó xô đổ. Ngày trước, bờ rào đá để phân định sở hữu đất đai, bảo vệ những mảnh vườn nhỏ trồng rau xanh quý hiếm và nhằm ngăn ngừa trộm đạo, thú dữ. Ngày nay chi tiết kiến trúc này đã trở thành không gian mang nhiều tính trang trí, ước lệ.




Tường đất tôn vinh mọi ngôi
nhà ở một cao nguyên thừa thãi đá.


Hãy thử tưởng tượng những bức tường đá xám cùng bờ tường đất đỏ, mái ngói thâm nâu, xa xa những dãy núi xanh chập chùng, trên cao lững lờ mây trắng, tất cả hợp lại thành một bảng màu đầy ấn tượng.

Khi bắt gặp cảm giác này rồi, người ta tự thấy cần phải lùi ra xa hơn từng kiến trúc cụ thể để ngắm nhìn tổng thể không gian sống lạ lùng nơi cao nguyên đá. Khi gây dựng kiến trúc, con người nơi đây đã tạo nên một thiên nhiên văn hóa và sức sống mới cho một khung cảnh rừng núi kỳ vĩ.


Nhà Vương ở Sà Phìn là một kiến trúc độc đáo nhất của cả một vùng Đông và Tây Bắc rộng lớn. Kiến trúc này tạo ra cảnh quan đầy thân thiện với thiên nhiên. Cũng là dễ hiểu, bởi đấy là tác phẩm, một tập hợp sức mạnh của rất nhiều thứ quyền lực chính trị, tài chính và văn hóa…

Những điều đáng nói trong kiến trúc truyền thống của Hà Giang lại chính là tính phổ cập cách tổ chức không gian sống rất văn minh này tới cả những nơi tưởng chừng như nghèo khó nhất.

Nếu bóc tách phần thiếu thốn tiện nghi và việc giữ vệ sinh môi trường trong đời sống, người ta thật khó thoát bỏ cảm giác choáng ngợp khi đứng trước một bản làng bên dãy Mã Phì Lèng hùng vĩ và quyến rũ. Theo tiếng địa phương, Mã Phì Lèng có nghĩa là dãy núi dốc như mũi ngựa. Cả bản chỉ chừng vài chục nóc nhà neo vào bờ đá. Mọi góc nhìn đều chụm về dòng Nho Quế nơi mặt trời mọc. Nơi đây núi cao sừng sững, vực sâu thăm thẳm, sông thì quanh co, ẩn hiện. Trên phối cảnh hoành tráng ấy, những ngôi nhà H’mông lặng lẽ xâu chuỗi, kết nối các giá trị, cảm xúc của tự nhiên, trời đất và con người.

4 nóc nhà kỳ lạ

Nếu giai điệu tự nhiên, vần điệu của kiến trúc vùng Mã Phì Lèng, Mèo Vạc lôi cuốn, thôi thúc người ta như một khúc tráng ca thì khu nhà người H’mông ở Lao Và Chải thuộc huyện Yên Minh lại lãng mạn như một bản tình ca. Lao Và Chải có dáng vẻ của một bình nguyên lọt giữa ca nguyên đá. Thời tiết có nhiều tháng trong năm luôn mát mẻ. Những đồi thông nguyên sơ nổi bật trên nền núi đá chập chùng đã tạo cho Lao Và Chải có sức ám ảnh sâu sắc hơn Đà Lạt hôm nay nhiều nhiều lần.



Cách huyện lỵ Yên Minh chừng 14 km, ngay kế bên quốc lộ 4C, một xóm H’mông rất lạ. Khung cảnh mở ra đủ làm cho cư dân nghèo khổ sống bên dãy Kỳ Liên phía tây Trung Hoa hay các đại gia lưu trú vùng núi Apls ở Châu Âu phải ngỡ ngàng. Cả một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông chỉ có 4 nóc nhà. Những vạt thông già òa xuống đồi cỏ chạy thoai thoải. Giữa hai vạt đồi bỗng bật lên một rừng trúc. Khói từ lò rượu quấn quýt mái ngói sẫm nâu. Mấy đứa trẻ H’mông nằm ườn hong nắng…



Cách xóm H’mông này không xa, gần đường rẽ về Bạch Đích người ta thật khó quên một ngôi nhà H’mông ngự trên đỉnh một mỏm đất. Chung qunh là ruộng bậc thang. Xa hơn nữa là những vòng núi cao thấp, quấn quýt. Ngôi nhà hay con người trú ngụ trong đó đã trở thành trung tâm của trời đất. Triết lý ấy luôn tạo cho những ai muốn khám phá Hà Giang nói chung, kiến trúc vùng đất này nói riêng những điều bất ngờ, kỳ thú. Không ai có thể cưỡng lại lời mời gọi trở lại vùng đất này.




Trên phối cảnh hoành tráng của núi rừng, trời đất,
những ngôi nhà H'mông lặng lẽ xâu chuỗi, kết nối các
giá trị, cảm xúc của tự nhiên, trời đất và con người.


Theo KT Nhà Đẹp