Giữ nếp 'nhà quê'

Cập nhật 25/01/2008 11:27

Ai yêu thích gốm đều biết gốm Lái Thiêu, ngày ngày với cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đã biến những cư dân ở đây trở nên giàu có, rồi tự hình thành kiểu kiến trúc...

Ai yêu thích gốm đều biết gốm Lái Thiêu, ngày ngày với cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đã biến những cư dân ở đây trở nên giàu có, rồi tự hình thành kiểu kiến trúc làng nghề đặc trưng của vùng miền Đông Nam Bộ. Ai có sống với ngày xưa thì bây giờ mới biết quý cái mà người ta cho là lạc hậu, cũ kỹ và làng quê trong thời buổi vật liệu ngoại lấn át trên thị trường.



Cái mới không lẫn cái cũ.




Phòng ngủ và vệ sinh vẫn đủ tiện
nghi trong cái vỏ cũ của ngôi nhà.



Vừa đến cầu Sắt Phước Long (cầu phân ranh giữa Hồ Chí Minh và Bình Dương), ai thích cái cổ xưa sẽ bị "mê" khung cảnh với bao hoài niệm. Đến chợ Lái Thiêu ven con đường đất cặp bờ sông sẽ gặp Quan đế miếu, chùa Bà, xuồng ghe, mấy chiếc xe lam ba bánh... Nhắm mắt lại chịu khó bỏ bớt một hai ngôi nhà "chơi nổi" là cả một dãy phố xưa hiện ra, một không gian "cũ rích" không mệt mỏi với thời gian.


Biết được chủ nhân ngôi nhà này có ba đời làm nghề gốm gần cả trăm năm cha truyền con nối nên khi nhận thiết kế khu biệt thự chính trên mảnh đất ấy người vẽ như được dịp lắng lại mình. Đề xuất phương án kiểu "cũ kỹ" cũng không dễ thuyết phục được chủ nhà, thiết kế còn nằm trên giấy đã bị đám lính chê xấu.

Biết mình làm một điều mà nhiều người không thích nên mọi thứ như tiến hành lặng lẽ và người thiết kế như đi tìm một điều gì đó như vô hình mà có lúc rất buồn vì cứ tưởng mình đi ngược lại xu thế thời đại. May mà còn chút niềm tin: cất nhà lên đảm bảo chủ nhà "còn nói chuyện được với bà ba, bà bảy đi chợ ngang nhà".

Tận dụng một vài vật dụng địa phương (lu, chậu gốm, ống cống...) kết hợp với kiểu dáng "nhà quê mới" là phương án được ưu tiên. Ngôi nhà dù bề thế cỡ nào cũng không làm phá vỡ và xa lạ với cảnh quan kiến trúc xung quanh.


Chút Tết cây nhà lá vườn.


Người thiết kế cũng tận dụng lại tất cả những gạch đinh của nhà cũ đập ra để ốp mặt tiền ngôi nhà. Trước mặt nhà được hàng cau và giàn hoa giấy che bớt sự bề thế, màu sắc nổi và sáng mà chủ nhà rất thích. Hàng rào được làm bằng các ống cống sắp xếp cao thấp ngẫu nhiên, mấy cái lu lớn nhỏ chất chồng làm trang trí hồ cá và thác nước. Mấy cây đước bán đầy dưới bờ sông được làm mảng ngách vừa ngăn vừa trang trí.

Bộ bàn ghế ngoài vườn chưa đủ bề thế, ngồi không tiện nghi nhưng cũng sướng theo kiểu "cây nhà lá vườn". Cây sung mấy chục năm nằm trong quy hoạch mở rộng được kiến trúc sư giữ lại làm điểm nhấn trong vườn.

Thêm một cái Tết nữa lại về, ngôi nhà như cũ hơn lại càng không sang trọng. Cây xanh ngoài vườn đâm chồi nảy lộc lấp ló qua nhà bên cạnh, cảm giác láng giềng càng thân mật hơn. Một ngày đầu năm đầy phấn khởi rồi bất chợt nhận ra mình đang sống thật với mình, mọi thứ thật dung dị, những vật vô tri cũng tự có những cung bậc riêng của nó, cái văn hóa rất khó nói được thành lời.

Hoàn thành được tác phẩm, người thiết kế có cảm giác lâng lâng với chút suy tư: mai mốt khu này lên thành khu phố văn hóa liệu có điều luật "ngôi nhà văn hóa" nào trong quy chế đó? Biết rằng lực bất tòng tâm nhưng "sướng được một chút" cũng là nguồn cảm hứng cho những công trình không to kế tiếp.

Theo KT Nhà Đẹp