Gam màu cá tính

Cập nhật 05/10/2007 09:51

Thế giới đang ngày càng phẳng hơn thì sắc màu cá tính lại càng muốn trổi lên...

Thế giới đang ngày càng phẳng hơn thì sắc màu cá tính lại càng muốn trổi lên...

Nhiều người đã nhận xét khi nghe nhạc của The Beatles thì Paul Mc Cartney đặc trưng cho các nốt có màu hồng và xanh lam, với những giai điệu nhẹ nhàng; còn John Lennon thì là gam màu xám và tím với những câu buồn và day dứt. Vì họ ký chung tên tác giả trong đa số các sáng tác của tứ quái nên có lẽ những fan hâm mộ cố tìm kiếm “ai là ai” trong các bản nhạc bất hủ, tìm những gam màu riêng cho chính đam mê của mình chăng?



Có lẽ tôi cũng thế. Gam màu yêu thích đầu tiên của tôi, đó là màu xanh vôi ve trong ngôi nhà cũ của bố mẹ (thời đó hình như nhà nào cũng quét vôi màu này, cho nó sạch, cho nó mát và cho nó… rẻ). Mỗi khi anh hàng xóm ngồi “đi” bài Romance, với âm hưởng mi thứ mênh mang cất lên thì cũng là lúc tôi mơ màng nhìn những mảng vôi xanh trên tường. Thảnh thơi và cũng khá ấm áp, tới giờ tôi vẫn thấy hiện ra màu xanh tuổi thơ ấy mỗi khi nghe bài nhạc nào viết theo gam mi thứ.



Khi được bố dạy đàn những hợp âm guitar đầu tiên, thì đô trưởng là hợp âm tôi thích nhất. Vì nó là nốt… đầu tiên của bảy nốt nhạc (?!). Vì nó tươi và rắn rỏi, như một người đàn ông đich thực mà thằng bé trong tôi hồi ấy muốn bắt chước. Đô trưởng của tôi lúc ấy là màu đỏ tươi của những bài hùng ca cách mạng, khỏe khoắn và mang nhiều chất Việt: thâm trầm, tình cảm. Gần đây, màu đỏ được nhiều khách hàng của tôi chọn lựa bởi nguyên nhân khác: không đụng hàng, có lẽ do ít người dám “chơi” màu đỏ trong nhà mình chăng? La thứ lại là hợp âm “chuyên dung” của thời kỳ tình ca sinh viên, chỉ với một cây guitar gần đứt hết dây mà vẫn chơi liên khúc bolero thâu đêm suốt sáng trong ký túc xá. Với tôi, gam la thứ nhắc nhở trong tâm thức một màu xanh cây lá của tuổi trẻ pha ánh tím thơ thẩn học trò, nhiều rung động khó quên và cả những nước mắt tình yêu đầu đời vụng dại nữa.



 
Từ la thứ, dịch chuyển ngón tay để bấm nốt đô thăng là tôi có được hợp âm la trưởng, màu cam của tôi và con gái tôi đấy! Nghe rất “cả nhà thương nhau” và “mẹ yêu không nào”, thật tươi trẻ và sáng sủa. Cách đây hai năm, màu cam lên ngôi và sau đó là màu xanh chuối non được dùng trong nội thất như những màu “nhấn” ưa thích. Như hợp âm guitar đâu chỉ có toàn la trưởng và rê thứ (tôi gọi gam của màu xanh chuối là rê thứ), sự lạm dụng các màu thời trang bắt đầu khiến chúng trở nên mau nhàm chán. Tôi ủng hộ việc các hãng sơn tìm kiếm những bảng màu, cách thể hiện màu theo chủ đề, phong cách. Nhưng việc ấn định, dự báo theo kiểu “màu của năm” nghe có vẻ thời trang quá, trong khi màu sắc dùng trong kiến trúc và nội thất lại là màu của vật liệu, ánh sáng, sự tương tác trong không gian. Và theo thời gian, màu sắc của ngôi nhà còn chuyên chở cả kỷ niệm và linh hồn của người cư ngụ, vì thế phải có một độ bền thẩm mỹ nhất định, không thay đổi xoành xoạch được. Cũng như một hai hợp âm không thể làm nên một bản nhạc hay. Với người biết đàn bập bõm như tôi thì những hợp âm hay vô tình lưu lại, rồi làm nên ký ức, làm nên sở thích, làm sao áp đặt được!?

Màu trắng hiện giờ được dùng nhiều làm màu chủ đạo để các kiến trúc sư dễ dàng hơn khi bố trí nội thất, giúp các màu khác nổi bật lên. Nhưng riêng tôi không ưa lắm cái màu trắng rất Tây ấy. Có phải mình đã già, đã bắt đầu thích xài màu của dĩ vãng rồi chăng? Ai đó nói người cao tuổi thường khó tính, khắt khe. Tôi lại nghĩ khác, đơn giản là khi nhiều tuổi thì ta còn ít thời gian hơn, không như thuở thanh niên chọn lựa xét nét. Bố tôi cũng vậy. Những hợp âm guitar bây giờ ông đàn nghe đơn giản, ít nhấn nhá nhưng nhiều tình cảm. Như ngôi nhà của bố mẹ vẫn gam màu cũ, nhưng luôn nhiều kỷ niệm mới được rót đầy mỗi sáng nhâm nhi tách trà.



Hơn chục năm trước làm kiến trúc, tôi hay vật vã (hay vất vả?) mỗi khi tư vấn màu cho khách hàng. Hồi đó đa số mọi người thường chọn màu giống nhau, như hồng phấn, vàng nhạt, nhè nhẹ, lơ lơ, chung chung, thiếu cá tính riêng. Gần đây tôi thường hỏi các “thượng đế” thích nghe bài hát nào. Rồi tôi tìm bài hát đó - nhớ, nghe hoặc tìm được bản nhạc càng tốt - để biết được hợp âm, giai điệu và từ đó dò ra “tần số màu sắc phù hợp” của khách hàng. Có thể tôi chủ quan, vì chưa chắc ai cũng thích “liên thông màu sắc và hợp âm” như tôi. Nhưng lạ thay, xác suất sai lệch đến giờ vẫn rất nhỏ. Vì việc nghe bài hát nào cũng nằm trong một phần sở thích của khách hàng, bên cạnh các yếu tố như nghề nghiệp, kinh tế, tuổi tác, tin vào Phong thủy… mà tôi đã tiếp xúc suốt cả quá trình làm việc rồi.

Khâu chọn màu trở thành giây phút “giải trí” hiếm hoi để tôi trở về những năm tháng sôi nổi của mình. Để được cầm cây guitar lên, rải một phát mi thứ trầm buồn hay vuốt anh chàng la trưởng tươi tắn. Những gam màu bắt đầu hiện ra, không ngớt, từ thính giác đến thị giác. Những gam màu của riêng tôi, và cũng là của riêng ai đó qua lăng kính của tôi, giúp tôi hiểu và yêu nghề kiến trúc của mình hơn, không liên quan nhiều lắm đến việc “vẽ kiểu nhà” như nhiều người lầm tưởng. “Có lẽ bạn bảo tôi là kẻ mộng mơ, nhưng tôi biết tôi không phải là người duy nhất mơ mộng…” . Chắc thế bạn nhỉ, nhất là trong thế giới sắc màu đa dạng của chúng ta. Một chút mơ mộng, một chút riêng tư, cho ngôi nhà của mình, phải không bạn ?

Theo Nhà Đẹp