Dinh Thầy Thím - huyền thoại giữa đời thường

Cập nhật 07/09/2008 08:36

Nếp nhà ấy bình dị như một mái nhà quê luôn trông ngóng người ở xa trở về. Dinh Thầy - Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận) vẫn như một mái ấm của cả dân làng Tam Tân...

Nếp nhà ấy bình dị như một mái nhà quê luôn trông ngóng người ở xa trở về. Dinh Thầy - Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận) vẫn như một mái ấm của cả dân làng Tam Tân từ hàng trăm năm qua, và rồi để những ai trở về đây như tìm về một chốn bình yên cho tâm hồn...



Cổng tam quan Dinh Thầy - Thím


Đặt chân đến cổng tam quan dinh lúc trời đã về chiều của một ngày hè giữa tháng 7, những tia nắng le lói cuối ngày tỏa sáng rạng rỡ mái rồng cổng dinh trước khi sụp tắt. Thế mà từng đoàn du khách vẫn nối nhau lũ lượt qua cổng dinh, mang lễ vật về thăm nếp nhà xưa. So với một ngày hè của 15 năm trước, khi lần đầu cùng người bạn địa phương ngồi xe máy tìm đường đến thăm dinh, giờ đây khu vực quần thể dinh đã khang trang hơn rất nhiều.

Trong ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh con đường đất bụi mù dẫn vào cổng dinh, hai bên là hàng dài những người buôn bán đồ cúng và hàng quà vặt khi về thăm dinh năm ấy.

Con đường đỏ bụi ngày xưa giờ đã thay bằng đường đổ nhựa đen bóng. Không còn những hàng quà rong ngồi hai bên lối vào tam quan, song vẫn còn nạn chèo kéo du khách mua vé số và giả dạng ăn xin lê lết ngoài cổng dinh, làm mất đi phần nào nét đẹp thâm trầm của vùng đất huyền thoại trong mắt du khách.

Bỏ qua hết mọi tục lụy cõi trần bước vào tam quan, băng qua khoảng sân gạch tàu đỏ lóa nắng chiều, đoàn du khách gồm cả người già, trẻ con, người trung niên, thanh niên, thiếu nữ trang nghiêm bước vào sau bức án phong, kính cẩn nghiêng mình trước những lư hương nghi ngút khói hương lòng thành tưởng nhớ người xưa.



Dinh Thầy Thím mang vẻ đẹp hài hòa của một mái
nhà quê xưa


Phía trước miếu thờ thành hoàng nằm chếch mé trái chánh điện, vài cụ già đang ngồi nhắc chuyện xóm làng xưa. Dưới gốc cây bồ đề cổ thụ râm mát cả một khoảng sân sau miếu thờ thành hoàng, vài du khách trung niên đang say sưa nghiền ngẫm tích truyện kể về huyền thoại Thầy - Thím giữa đời thường viết trên tấm bảng treo trang trọng trên thân cổ thụ.



Miếu thành hoàng phía trước chánh điện


Người dân truyền tai nhau truyền thuyết, rằng ngày xưa, ở Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xử oan ức, đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Làng Tam Tân trù phú trở thành nơi dừng chân của nhà đạo sĩ có tài và chuyên cứu giúp dân lành.

Cũng vì giúp dân làng dời ngôi đình khang trang thờ thần hoàng ở làng kế bên về mà Thầy bị vua xử phạt "tam ban triều điển" (chém chết, uống thuốc độc hoặc treo cổ), phải rời làng quê cũ lưu lạc vào làng Tam Tân, thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận ngày nay. Dân gian còn lưu truyền rằng, Thầy - Thím rời làng quê cũ bằng dải lụa vua ban để khép tội chết mà khi đến tay Thầy bỗng hóa thành rồng. Thầy - Thím cưỡi lên dải lụa - rồng ấy mà bay vào phương Nam.

Những ngày đến lập nghiệp ở làng Tam Tân, Thầy ở trọ nhà ông Hộ Hai làm nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Điều lạ lùng là lúc nào Thầy cũng mang theo bên mình quả bầu khô. Một lần Thầy vội vã vào rừng không mang theo quả bầu, chủ nhà bèn lén lấy mở ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà.

Từ đó Thầy - Thím dời hẳn vào rừng sâu, dùng phép thuật để chữa bệnh, đóng ghe thuyền cho ngư dân, trấn áp bọn gian thương và nhà giàu cứu giúp dân nghèo. Quanh khu rừng cả ngày vang lên tiếng đục đẽo gỗ như có cả một đội quân cùng đóng ghe thuyền, nhưng chưa bao giờ dân làng thấy một người giúp việc nào của Thầy.



Chánh điện với kiến trúc độc đáo




Hắc hổ - linh vật trung thành của Thầy - Thím
cũng được dân làng tưởng nhớ


Có một mạch nước nhỏ dài hơn 3 km chảy từ cánh rừng Thầy đóng ghe ra đến biển mà dân làng truyền tụng do Thầy tạo ra bằng cây gậy phù phép của đạo sĩ để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân gian gọi là "đường lướt ván". Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to, gió dữ... Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi lo sợ của những người khai phá thiên nhiên hoang dã thời ấy.

Một ngày mùa thu, được tin Thầy - Thím qua đời, dân làng vội vã tìm đến thì đã thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng tinh do thú dữ vun đắp thành ở khu rừng Bàu Thông. Hàng năm cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta thường thấy có đôi bạch hổ - hắc hổ thường về nằm phủ phục canh gác mộ. Khi đôi hổ qua đời, dân làng cũng an táng ngay sau mộ Thầy - Thím để tưởng nhớ hai con vật tận trung với người.

Nhớ công đức Thầy - Thím, những người đã có công khai phá vùng đất mới, người dân địa phương lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế. Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ Tế Thu Thầy -Thím. Đến đời Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy - Thím là "Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương tôn thần".



Nhà vỏ ca với kiến trúc cột rồng, mái ngói,
lưỡng long chầu nguyệt trên mái mang
đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ 19




Hắc hổ - bạch hổ ngồi chầu ngay sau bức án phong


Huyền thoại về Thầy - Thím còn lưu truyền mãi giữa dân gian ý nghĩa và giá trị của lẽ phải, đạo lý, sự công bằng và chuẩn mực xã hội, lưu lại cho mọi thế hệ nét đẹp nhân cách, thuần phong mỹ tục của nếp làng xưa. Ngày nay khi đến tham quan quần thể thắng tích này, người ta vẫn còn tìm gặp được nhiều di tích gắn với những truyền thuyết về vợ chồng đạo sĩ như gốc cây Thầy ngồi đẽo thuyền, đường lướt ván, bốn ngôi mộ bằng cát trắng phau của Thầy - Thím và đôi bạch hổ - hắc hổ nằm không xa dinh, tượng đôi hổ ngồi chầu...

Dinh Thầy - Thím ban đầu được làm bằng tranh lá đơn sơ vào đầu thế kỷ thứ 19, về sau dân làng mới xây dựng lại khang trang hơn. Những dòng Hán văn cổ chạm khắc trên xà cò chính điện cho thấy dinh được xây dựng vào ngày 25-12-1879 (nhằm năm Tự Đức thứ 32). Từ ngày ấy đến nay, dinh đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ các đường nét trang trí nội - ngoại thất thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình. Đôi tượng đá bạch hổ - hắc hổ, các phù điêu tứ linh, bát tiên... được bố trí hài hòa mang lại cảm giác trang nghiêm và gần gũi. Giá trị văn hóa, lịch sử của Dinh Thầy - Thím đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 27-9-1997.



Nét kiến trúc độc đáo trên mái ngói mang biểu tượng
rồng của thế kỷ 19 ghép từ những mảnh sành sứ
nhiều màu do nghệ nhân từ Huế vào phục dựng


Vào hai ngày lễ lớn hàng năm ở Dinh Thầy - Thím (lễ tảo mộ mùng 5 tháng giêng âm lịch và lễ Tế Thu vào ngày 14 và 15 tháng 9 âm lịch, nhiều sinh hoạt văn hóa sôi nổi thu hút khách thập phương đổ về: chèo bả trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài, phóng sinh thả chim về rừng, rước xe hoa trang trí theo những truyền thuyết về cuộc đời Thầy - Thím quanh đường làng Tam Tân, nơi xưa kia hai người sinh sống, lao động và cứu giúp dân làng...

Những ngày lễ tế hàng năm ở ngôi dinh cổ kính ấy đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa lớn của La Gi, thu hút vài trăm ngàn khách du lịch bốn phương dự hội trong dịp lễ.



Nhà tiền hiền nơi gian trái của chánh điện Dinh Thầy - Thím




Mặt trong cổng tam quan chạm khắc nhiều hình rồng
bay phượng múa như gởi lời chào từ biệt du khách
rời mảnh đất huyền thoại trở về với đời thường


Tiếng thơm đồn xa, du khách khắp nơi đổ về Dinh Thầy - Thím ngày càng đông và hầu khắp các tháng trong năm. Không chỉ cuốn hút bởi giá trị văn hóa - lịch sử, đây còn là điểm đến hấp dẫn bởi khu di tích nằm gối đầu vào núi rừng xanh thẳm, duỗi dài về phía biển xanh cát trắng xa xa.

Bãi biển Tam Tân cách dinh chỉ vài cây số gọi mời khách đường xa đến vẫy vùng giữa làn nước trong xanh và tận hưởng không khí trong lành của làng quê ven biển an lành.

Theo Địa Ốc TTO