Đến thăm Làng Nôm

Cập nhật 03/03/2008 15:34

Nếu ghé thăm Xứ nhãn Hưng Yên, bạn đừng quên đến thăm ngôi làng mang một cái tên rất gần gũi, rất Việt Nam, đó là làng Nôm.

Nếu ghé thăm Xứ nhãn Hưng Yên, bạn đừng quên đến thăm ngôi làng mang một cái tên rất gần gũi, rất Việt Nam, đó là làng Nôm.

Đường từ Hà Nội đến làng Nôm, ven theo bờ đê, đi qua những cánh đồng lúa, những con đường làng xanh bóng cây và vừa đủ lớn dành cho xe ô tô về làng. Những bức tường gạch đỏ bao quanh nhà, một bờ ao chung vừa là nơi để các cụ già ngồi hóng mát vào những trưa hè, vừa là chỗ để trẻ con trong làng tụ tập vui đùa… Những hình ảnh rất quen thuộc và rất đỗi thân thương của các ngôi làng Bắc Bộ.

Làng Nôm có một quần thể di tích bao gồm những ngôi nhà cổ, có chợ Nôm, cầu Nôm, nhiều ngôi nhà thờ như nhà thờ của tộc Nguyễn, Lê, Đan…, và đặc biệt là Chùa Nôm và đình Nôm – nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ, là nơi mà hàng năm đến ngày Hội Làng, người dân làng dù sống ở đâu cũng tụ tập về dự hội làng - ngày mà cả làng vui như Tết và mọi người quây quần như trong một đại gia đình.

Chùa Nôm còn có tên tự là “Linh thông cổ tự”, thuộc thiền phái Lâm Tế. Thời điểm xây cất ngôi chùa không còn ai biết và cũng không có tư liệu nào ghi chép lại. Theo 2 tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào thời Hậu Lê, năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó, lần trùng tu mới nhất là vào năm 1998.



Chùa trước đây là ngôi đại tự hoành tráng thuộc miền Kinh Bắc, nay là Hưng Yên. Theo truyền thuyết thì xưa kia Chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Phải chăng sự linh thiêng của ngôi chùa, cũng như của đạo Phật, cộng với sự tốt tươi của ngàn thông trên mảnh đất này, mà có tên “Linh thông cổ tự”.


Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến với chùa. Đó là làng nghề đúc đồng truyền thống nên trước cổng chùa từ xưa đã trở thành nơi họp chợ mua bán các nguyên liệu phục vụ làng nghề. Người dân ở đây vẫn lưu truyền câu ca: “Đồng nát thì về cầu Nôm. Con gái nỏ mồm về ở với cha”.


Nét đẹp của làng Nôm còn thể hiện ở đời sống văn hóa của người trong làng. Ngoài ngày hội làng, những ngày đi lễ chùa, người dân làng, nhất là các cụ già cũng thường hôm sớm đến đình chùa làm công quả để tô điểm cho cảnh quan đình chùa, cảnh làng ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách thập phương khi dừng chân ghé đến.

DiaOcOnline.vn tổng hợp