Vẻ đẹp tinh khiết của Đà Lạt, những cơn mưa rào nhè nhẹ mỏng tựa như màng sương, những con đường vòng vòng, uốn lượn ôm lấy các sườn đồi, đỉnh Langbiang cao hun hút đến thác Cam ly huyền thọai,…Có lẽ mỗi người khi đến với Đà Lạt đều cất giữ trong lòng mình những ký ức đẹp về thành phố ngàn hoa này.
Đà Lạt trong mắt tôi thật thanh bình. Tôi yêu không khí ấm áp trong tiết trời se lạnh, yêu vị ngọt ngào của núi rừng – một hương vị rất riêng của Đà Lạt. Cảm giác đi lang thang trong lòng phố, ngắm những đóa hoa còn ngậm hơi sương, ngắm màu vàng trong suốt rải đều khắp các lùm cây, ngọn cỏ, mái nhà…Một vẻ đẹp thật nhẹ nhàng, bình yên!
Ấn tượng nhất và mãi là tình yêu, nỗi nhớ về Đà Lạt trong tôi là hình ảnh thành phố chìm ngập trong sương. Buổi sáng, sương phủ khắp nơi nơi. Sương lãng đãng, hư ảo, bàng bạc…Tôi thích ngắm những ngôi nhà với kiểu kiến trúc Châu Âu trong màn sương. Nó gợi cảm giác như đang phiêu du trên những con đường tráng lệ của Kinh đô ánh sáng Paris. À, cũng đúng thôi vì từ lâu Đà Lạt đã vinh dự được ví như là “Little Paris” - một tiểu Paris ở giữa lòng đất Việt.
Có thể nói điểm nhấn trong hệ thống kiến trúc ở Đà Lạt phải nhắc đến những công trình kiến trúc cổ mang phong cách Châu Âu. Đến tham quan những công trình kiến trúc cổ nói chung và ở Đà Lạt nói riêng, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của một thời mà qua những công trình ấy bạn còn biết được những câu chuyện lịch sử thú vị.
Trước tiên phải nói đến nhà ga Đà Lạt. Đây là nhà ga duy nhất tại Việt Nam được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Công trình kiến trúc này được khởi công vào năm 1932 đến năm 1936 thì hoàn thành, do kiến trúc sư người Pháp Moncet cùng với đồng nghiệp là Revenron thiết kế và lãnh đạo thi công.
Ba vòm mái của nhà ga vừa mang dáng dấp của
mái nhà rông Tây Nguyên vừa là hình tượng của dãy núi LangBian.
Ga Đà Lạt hiện nay chỉ còn một chiếc đầu máy xe hỏa hơi nước chạy bằng than củi, hằng ngày có các chuyến tàu chở du khách đi từ ga đến Trại Mát.
Đầu xe lửa trong khu nhà ga.
Đứng ở trung tâm TP Đà Lạt, nhìn sang bên kia hồ Xuân Hương có thể nhìn thấy cái tháp chuông cao vút trên bầu trời cao nguyên; tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian bao la và màu xanh của ngàn thông. Đó chính là tháp chuông của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là trường Grand Lycée Yersin), công trình do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế và chỉ đạo thi công. Ngôi trường tọa lạc trên một ngọn đồi phía đông bắc TP Đà Lạt. Được xây dựng vào năm 1928 và đưa vào sử dụng từ năm 1933. Tháp chuông nhưng không treo chuông mà đó chỉ là biểu tượng của sự vươn lên đỉnh cao văn hóa, đó cũng là nét kiến trúc đặc sắc của vùng Morger, quê nhà Yersin tại Thụy Sĩ.
Khi thiết kế, Moncet muốn đưa những đường nét của kiến trúc Thụy Sĩ - quê hương của Yersin vào công trình, đồng thời thể hiện được tấm lòng cao cả cũng như cuộc đời bình dị của nhà bác học đã có nhiều đóng góp to lớn trong khoa học và hơn nửa cuộc đời gắn bó với VN, đặc biệt là với vùng đất Đà Lạt.
Dãy lớp học được xây hình vòng cung rất độc đáo.
Công trình kiến trúc này vừa được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20 và được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích kiến trúc quốc gia.
Đến Đà Lạt, bạn hãy dành chút ít thời gian đến chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo này; đó cũng là dịp để bạn tìm lại dấu ấn của một thời, để khám phá vẻ đẹp của thành phố trong...sương. Tất cả sẽ trở thành tình yêu và nỗi nhớ với những ai đã từng đặt chân đến thành phố cao nguyên này.
DiaOcOnline.vn