Cảm nhận không gian mồng Một Tết

Cập nhật 14/02/2010 11:30

Thành phố Hà Nội luôn có một không gian khác lạ và đặc biệt vào buổi sáng mùng Một Tết. Nếu ra phố vào buổi sáng mồng Một, tất cả mọi người đều có thể cảm nhận rõ ràng sự tĩnh lặng, thư thái và dễ chịu. Tuy nhiên, những khoảnh khắc như vậy chỉ xuất hiện có vài giờ trong suốt một năm.

Thành phố Hà Nội luôn có một không gian khác lạ và đặc biệt vào buổi sáng mùng Một Tết. Nếu ra phố vào buổi sáng mồng Một, tất cả mọi người đều có thể cảm nhận rõ ràng sự tĩnh lặng, thư thái và dễ chịu. Tuy nhiên, những khoảnh khắc như vậy chỉ xuất hiện có vài giờ trong suốt một năm.

Phố Hà Nội... những khoảnh khắc lạ


89, 88, 87, 86, 85, 84, 83 …vào một ngày bình thường, tất cả những ai muốn vượt qua ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã đều phải đếm ngược từ 90 trở về 0. Giờ cao điểm, thì sẽ phải đếm từ 2 đến 3 lần như vậy. Nhưng hôm nay thì khác: Giờ cao điểm, nhưng không có khói, bụi, tiếng ồn và sự chen lấn xô đẩy. Sáng mùng Một Tết đã trở thành một khoảnh khắc hiếm hoi và đặc biệt trong suốt 365 ngày của năm.

Giờ cao điểm của một ngày bình thường, để đi hết trục đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học, dài chừng 3 cây số, người ta sẽ phải mất từ 20 đến 30 phút. Sáng mùng Một Tết, chỉ mất chưa đầy 5 phút.

Rộng và ngắn, đó là cảm nhận về tất cả các con đường. Thành phố như thu hẹp lại, và mọi người cũng gần nhau hơn. 365 ngày, có một buổi sáng như thế, sáng mùng Một Tết. Hoá ra mọi guồng quay, mọi sự bận rộn và toan tính cũng đều có khoảnh khắc dừng lại. Và hạnh phúc, rất có thể chỉ đơn giản là được chứng kiến mọi khoảnh khắc trong cả một năm.

Mùng 1 Tết ở một làng ven đô...

Lễ rước kiệu của dân làng Cổ Loa.

Làng Cổ Loa - ngôi làng nổi tiếng của xứ Bắc, nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 20 cây số. Người dân nơi đây vẫn chủ yếu sống dựa vào canh tác nông nghiệp, trồng lúa, rau xanh, và cây cảnh, cung cấp cho Hà Nội. Và vì thế, có lẽ chỉ có sáng Mùng 1 Tết, người ta mới có thể thấy quang cảnh yên ắng an nhàn - khi mà người nông dân tự cho phép mình nghỉ ngơi sau những vụ gieo trồng 2 sương 1 nắng.

Vận bộ cánh tươm tất nhất, những người nông dân sang chúc Tết nhau. Đúng theo truyền thống, lũ trẻ được nhận tiền mừng tuổi, những tờ tiền mới tinh, mà người lớn đã kỳ khu dành dụm, tìm đổi trong những chuyến lên thành phố trong năm.

Chùa Cổ Loa, còn có tên là Bảo Sơn Tự, theo tương truyền được xây dựng từ thế kỷ 17, là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Còn với riêng người dân làng Cổ Loa, đây là nơi gửi gắm những niềm tin, và cả những ước vọng....

DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Ảnh: Internet