Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Cập nhật 20/09/2008 11:09

Trên suốt đoạn đường 10km từ trung tâm thành phố Huế về hướng Đông, tôi cố tìm bóng dáng cô gái Huế ngày nào. Chưa gặp người thiếu nữ nhưng cầu ngói thì đã hiện ra rõ dần trước mắt...

Trên suốt đoạn đường 10km từ trung tâm thành phố Huế về hướng Đông, tôi cố tìm bóng dáng cô gái Huế ngày nào. Chưa gặp người thiếu nữ nhưng cầu ngói thì đã hiện ra rõ dần trước mắt...


Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng làm bằng gỗ quý được xây theo kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” - Trên là nhà dưới là cầu. Có chiều dài 17m, rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dây bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che lợp ngói ống tráng men đặc biệt và chia làm 7 gian.



Dừng chân trong cầu ngói


Có lẽ con đường về cầu ngói nên được bình chọn vào danh sách “Con đường làng đẹp nhất Việt Nam”. Bởi trông nó giống như một bức tranh thanh bình của một làng quê Việt Nam.

Hai bên là những cánh đồng xanh ngát cùng hai hàng dương vi vu trong gió, những cánh cò lững thững kiếm ăn, bầy vịt theo đàn bơi lội tung tăng trên con sông đào.



Khung cảnh hiền hòa như làng quê Việt Nam


Từ trên cầu phóng hết tầm mắt ra xa khỏi ruộng lúa, đến với luỹ tre làng lấp ló, cơn gió mát lành sẽ khiến người ta trở lại tuổi thơ một thời với cây đa, bến nước, con đò…

Rồi bạn được gặp lại những hình ảnh quen thuộc của nông thôn Việt Nam: đụn rơm vàng ươm, giàn bầu trĩu quả, buồng chuối đương chín hay những tán bàng mới nhú vươn lên trời cao.

Những hình ảnh giản dị mà thân thương ấy khiến tâm hồn ta bỗng như dịu lại, tách biệt hẳn với cái xô bồ của cuộc sống hiện đại.



Câu ngói cũng thật lung linh về đêm


Không có cách thư giãn nào tuyệt vời hơn là được tham dự vào những sinh hoạt ngày mùa như xay lúa, đạp nước, nghe hò đối đáp, hò giã gạo của những người phụ nữ Huế, xem người ta nô nức đánh bài chòi theo tiếng rao của người cầm trịch hay đơn giản chỉ ngồi bên chén nước chè xanh, nếm thử vài món đồng quê, nói dăm ba câu chuyện.


Một ngày ở Thanh Toàn trôi qua trong yên lành. Cái thanh bình bao trùm lên làng quê và cả con người.

Những người khách đến rồi lại đi. Đi qua khỏi chiếc cầu ngói rêu phong, làng quê dần khuất khỏi tầm mắt nhưng cái mùi thơm của lúa, của khói bếp, của rơm rạ, vườn tược thì vẫn như còn vương vấn đâu đây.

Theo Citilink