10 cổ trấn đẹp như mơ của Trung Quốc

Cập nhật 21/03/2010 16:25

Trung Quốc từ lâu vốn đã nổi danh vì cảnh đẹp hút hồn với khung cảnh tráng lệ của cung đình qua phim dã sử hay những cảnh vật hoang sơ trong phim cổ trang.

Trung Quốc từ lâu vốn đã nổi danh vì cảnh đẹp hút hồn với khung cảnh tráng lệ của cung đình qua phim dã sử hay những cảnh vật hoang sơ trong phim cổ trang. Tuy vậy, những ai đã từng một lần đặt chân đến đất nước này đều hiểu rằng những gì họ từng nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ vẫn còn là quá ít so với vẻ đẹp đích thực tỏa ra từ những khu đô thị cổ kính mà du khách được tận mắt thưởng lãm.

1. Đô thị cổ Lệ Giang tại tỉnh Vân Nam

Đô thị cổ Lệ Giang thường được biết đến dưới tên gọi Đại Nghiên cổ trấn. Đây là một thành phố cổ tuyệt đẹp cả về phong cảnh và lịch sử, nơi sinh sống của các dân tộc Bạch (Bai), Nạp Tây và Tạng. Thành cổ này nằm trên độ cao 2.400 m, trên cao nguyên Vân Quý, cách Côn Minh hơn 500 km và có diện tích 3,8 km².

 

Lệ Giang không có tường thành, với trung tâm là phố Bốn Phương. Khu đô thị này nổi tiếng về hệ thống đường thủy và cầu cống, nên còn được gọi là "Venezia của phương Đông". Lệ Giang có 354 chiếc cầu (bình quân cứ 1 km² có 93 cầu) bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành. Những cây cầu được nhắc đến nhiều: Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên, Nhân Thọ, được xây vào đời Minh và Thanh.

Đô thị cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời hơn 800 năm. Lệ Giang được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên. Trước cửa các ngôi nhà người ta đều trồng dương liễu và có suối nước chảy qua.

2. Thị trấn Châu Trang – “Thành Venice của Đông Phương”

Người Trung Hoa phong cho thị trấn Châu Trang (Zhou Zhuang) là “Thành phố nước đệ nhất” còn với du khách gần xa thì họ gọi nơi đây là "Thành Venice của Đông Phương". Nằm cách Thượng Hải khoảng 1 giờ xe chạy về phía tây, thị trấn Châu Trang là thành - phố - nước ra đời sớm và tiêu biểu nhất của Giang Nam (tỉnh Giang Tô - Trung Quốc).

 

Thị trấn nhỏ với dân số chỉ khoảng 20.000 người nhưng tập trung mọi vẻ đẹp của những thành - phố - nước phía nam sông Dương Tử: những cây cầu đá cong cong với những chi tiết chạm trổ sinh động vắt ngang những dòng kênh - mạng lưới giao thông chính của thị trấn này, những ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng mái đen, những “đèn lồng đỏ treo cao”, và nhất là những con thuyền gỗ nhẹ trôi trên làn nước trong xanh dưới nhịp chèo khoan thai của các cô nàng mặc áo bông xanh, vừa chèo vừa cất tiếng hát lanh lảnh...

3. Làng cổ Hoành Thôn thuộc tỉnh An Huy

Những ngôi làng cổ như Hoành Thôn có thể coi là minh chứng sinh động cho kiểu mẫu định cư mang tính tổ chức cao tại 1 thuộc địa trong thời kỳ phong kiến và còn là nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh nền kinh tế trao đổi mậu dịch nơi đây. Thông qua những toà nhà xây dựng và mô hình phố xá của họ, hai ngôi làng nằm tại phía Nam An Huy như Tây Đệ và Hoành Thôn đã phản ánh cơ bản cách tổ chức, cơ cấu nền kinh tế xã hội dưới một thời kỳ ổn định lâu dài của lịch sử Trung Hoa.

 

Những khu định cư thành thị mang nét cổ truyền Trung Hoa, gồm quy mô rộng lớn đã biến mất trong thế kỷ trước, vậy mà lại được duy trì và bảo tồn tại ở Hồng Cún. Những mô hình đường sá, những công trình nghệ thuật kiến trúc, những dụng cụ trang trí và sự thống nhất chặt chẽ ở những ngôi nhà với hệ thống nước bao bọc là các ví dụ còn lại tồn tại duy nhất.

4. Ô Trấn – “Bức tranh thủy mặc” của vùng sông nước Giang Nam

Giống như một bức tranh thủy mặc, sắc đỏ, những ngôi nhà cổ và dòng sông thanh bình đã tạo nên khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp ở Ô Trấn, Triết Giang, Trung Quốc.

 

Ô Trấn là một trong bốn thành cổ đẹp nổi tiếng của vùng sông nước Giang Nam, Trung Quốc. Vẻ đẹp cổ xưa của những ngôi nhà cổ còn giữ nguyên nét kiến trúc cũ, những khu phố nổi nằm bên dòng sông thanh bình đã tạo nên vẻ đẹp huyền ảo khó cưỡng lại của vùng đất này.

5. Thành phố cổ Bình Dao – pháo đài 2.700 tuổi

Bình Dao là một thành phố cổ của Trung Quốc thuộc tỉnh Sơn Tây, nằm cách Bắc Kinh khoảng 450 km. Trong thời nhà Thanh, nơi đây là một trung tâm tài chính của Trung Quốc. Bình Dao nổi tiếng với các bức tường cổ và được bảo tồn, là Di sản thế giới của UNESCO.


Phố cổ Bình Dao là một ví dụ nổi bật của một đô thị Hán thuộc các triều đại Minh -Thanh còn giữ được những nét đặc trưng của nó với một mức độ phi thường, và điều đó đã cung cấp một bức tranh về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa tôn giáo của một trong những thời kỳ có ảnh hưởng nhất của lịch sử Trung Quốc.

Bình Dao còn là đô thị cổ còn nguyên vẹn nhất trong số 2.000 đô thị còn tồn tại có tường dày bao quanh ở Trung Hoa cổ xưa. Được xây dựng cách đây 2.700 năm như một pháo đài, Bình Dao vẫn còn giữ nguyên vẹn phần lớn kiến trúc của nó cho đến ngày nay.

6. Thôn Tây Đệ - một góc nhỏ cổ kính yên bình của tỉnh An Huy

Thôn Tây Đệ nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc. Huyện được thành lập từ thời nhà Tần nhưng mãi đến thời Bắc Tống thôn mới được xây dựng. Năm 2000, khu di tích thôn cổ Nam bộ An Huy, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành Thôn đã được UNESCO ghi nhận là "Di sản văn hóa thế giới" nhờ dấu ấn đậm nét của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc: đường cổ, cầu cổ, bia cổ, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.

 

Thôn Tây Đệ bốn mặt đều giáp núi. Nước trong thôn trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, ngói màu đen. Những ngôi nhà cổ ở đây được xây liền sát nhau hoặc được xây tách rời độc lập. Các ngôi nhà đều có giếng trời, bốn phía xung quanh có tường bao bọc, không khí vào trong nhà theo giếng trời, xung quanh tường không có cửa sổ, nếu có thì cũng rất nhỏ và ở trên cao. Tường và mái của các giếng trời đều nghiêng vào trong mảnh đất để nước mưa chảy vào trong, ngụ ý nước non phì nhiêu không chảy ra ngoài.

7. Quần thể lầu đất cổ tại Nam Tịnh, Phúc Kiến

Huyện Nam Tịnh, thuộc tỉnh Phúc Kiến, nổi tiếng với 1.500 tòa lầu đất cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2008. Lầu đất là một loại hình kiến trúc đặc biệt của Trung Quốc, tập trung ở ba tỉnh: Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây, trong đó nhiều nhất là ở Phúc Kiến. Nam Tịnh là một huyện nhỏ của Phúc Kiến nhưng có số lượng lầu đất lên tới 1.500 toà.

 

Lầu đất hình tròn là phổ biến nhất vì sức kháng động đất lớn, không gian rộng, lại thông gió. Chất liệu làm nên lầu đất cũng vô cùng đặc biệt. Đất được trộn với cát lấy từ dưới sông, thậm chí còn có cả trứng gà, gạo nếp và nhiều thứ khác. Tất cả được nung theo một bí quyết riêng tạo nên một thứ chất liệu rất vững chắc. Nhiều toà lầu đất đã tồn tại hàng trăm năm nay.

8. Đông Lý - một thị trấn thơ mộng với phong cảnh hữu tình

Cổ trấn Đông Lý thuộc tỉnh Giang Tô được thành lập vào thế kỷ thứ 7 như một làng nghề và trở thành một thị trấn lớn giữa thế kỷ 14. Thị trấn này cách Tô Châu 18 km và được biết đến như một khu dân cư sầm uất với nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

 

Đông Lý được bao quanh bởi hồ và hệ thống kênh rạch với tổng diện tích 86 hecta. Đây là một thị trấn nổi tiếng bởi những ngôi nhà cổ, cầu cổ và hệ thống kênh đào bao quanh nhà ở, tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Trong thị trấn có 25 cây cầu cổ xưa còn nguyên vẹn từ thế kỷ thứ 13 và chiều dài tổng cộng của các kênh rạch khoảng 10 km.

9. Chu Gia Giác - thắng cảnh miền sông nước nổi tiếng nhất Thượng Hải

Chu Gia Giác là thắng cảnh miền sông nước nổi tiếng nhất Thượng Hải, không chỉ bởi một khu du lịch lưu giữ đầy đủ đặc trưng của Giang Nam cuối đời Minh, mà còn bởi những món ăn vặt đầy hấp dẫn. Cách trung tâm thành phố 1h đi xe bus, dường như sự sôi động, hiện đại đang lùi dần sau lưng. Chu Gia Giác mở ra những cảnh vẫn thường thấy trên phim ảnh: thiên nhiên trong lành, thuyền bè đi lại trên sông, những cây cầu, những ngôi nhà cổ treo đèn lồng đỏ. Quả không hổ danh là 1 trong 50 địa điểm ở Trung Quốc mà người nước ngoài nên đến nhất.

 

Thị trấn này hiện có 36 cây cầu đá lớn nhỏ nối liền 9 con đường men theo bờ sông, nối liền khoảng cách và những hoài niệm. Biểu tượng của Chu Gia Giác là cầu Phóng sinh - cây cầu đá 5 nhịp lớn nhất còn lại ở vùng đồng bằng Trường Giang. Bên cạnh cầu là đình Phóng sinh, nơi có thể thả cá, thả rùa.

10. Đại Lý - nơi hội tụ của Phong – Hoa - Tuyết - Nguyệt

Đại lý nằm về hướng Tây Nam và cách Côn Minh 400 km, diện tích của khu tự trị này là 28.000 km2, dân số khoảng 3,5 triệu người, toàn châu là cao nguyên có độ cao 1.890 m so với mặt nước biển.

 

Sự đặc biệt của Đại Lý có thể tóm lại trong 4 chữ: Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt. Khu dưới, nơi có thành cổ Đại lý vì có nhiều gió nên gọi là hạ quan phong, thường gió thổi từ mặt đất lên (vì thế khi đi du lịch tại đây du khách không nên mặc váy). Phía trên, Khí hậu ôn hòa, người dân lại yêu chuộng hoa cho nên họ đua nhau trồng đủ các loại hoa tạo nên một cảnh quan đặc biệt cho toàn vùng, nên gọi là thượng quan hoa. Lại có núi Điểm Thương gồm 9 ngọn, mùa đông thường có tuyết phủ tuyết, nên gọi Thương Sơn Tuyết. Còn Nguyệt là cảnh bóng trăng soi mình trên Hồ Nhĩ Hải rất đẹp và thơ mộng.

Hiện nay, Đại lý còn nhiều công trình kiến trúc cổ được bảo tồn, trong đó có thành cổ Đại Lý (còn gọi là Tử Cấm Thành). Cách thành Đại Lý 1 km về phía bắc bên bờ Nhĩ Hải, Tam tháp Đại Lý là một công trình kiến trúc cổ đặc sắc. Ba ngọn tháp tạo thành hình tam giác, tháp chính là Thiên Tuần Tháp được xây dựng vào thời nhà Đường. Bên cạnh Tam tháp là Sùng Thánh Tự xây dựng năm 834 – 840 được bảo tồn khá tốt. Ngoài ra, Đại Lý còn được tô điểm bở biển hồ Nhĩ Hải (hồ rộng như biển, hình thù giống như cái tai của người), đi du thuyền trên biển hồ Nhĩ Hải và thưởng thức trà tam đạo sẽ là cảm giác tuyệt vời khi đến nơi đây. Ngày nay, những điểm trên đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News