Đất nằm trong quy hoạch treo có thể dựng nhà kho được không?

Cập nhật 24/07/2014 13:46

Khoản 1 Điều 188 Luật ĐĐ 2013 quy định: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

Tôi mới mua một mảnh đất ở Đà Lạt. Mảnh đất này trước kia là của ông Hiệp khai hoang được 1600m2 . Ông này bán cho cha tôi năm 1994, giấy tờ mua bán là giấy tay có đóng dấu của Chủ tịch phường (đất chưa có sổ). Tháng trước tôi mua lại mảnh đất này cha tôi đưa tôi giấy chuyển nhượng đất giữa ông và ông Hiệp, biên lai thuế năm 2013 và sơ đồ đất được vẽ năm 2013, theo tôi được biết mua bán đất giấy tờ tay sẽ không được cơ quan nào công chứng. Vậy xin cho tôi hỏi tôi phải viết giấy mua bán như thế nào để đảm bảo quyền sử dụng của tôi và để tránh tranh chấp về sau? Đồng thời mảnh đất này nằm trong dự án quy hoạch năm 2002 nhưng đến giờ vẫn treo để đó, vậy tôi có thể dựng nhà sắt làm nhà kho được không, tôi sẽ cam kết tự tháo dỡ khi quy hoạch

Kính gửi Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty luật TNHH Đức An xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Thứ nhất điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Khoản 1 Điều 188 Luật ĐĐ 2013 quy định: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

Khoản 1 Điều 168 Luật ĐĐ 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận.

Luật ĐĐ 2013 cũng quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 167 rằng: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không có giấy chứng nhận quyền sở hữu không đủ điều kiện để công chứng. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro bởi trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ với viết tay sẽ bị coi là vô hiệu.

Trước khi tiến hành thủ tục nhận chuyển nhượng, anh và cha của anh nên tiến hành các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Khoản 2 Điều 100 Luật ĐĐ 2013: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”

Thứ hai xây dựng công trình nhà kho trên đất

Theo khoản 3 Điều 62 Luật Xây dựng 2003: “Việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng đượcduyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch.” Điều 5 Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/03/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định:

“1. Việc cấp giấy phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với những vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện.

2. Căn cứ tính chất, đặc điểm và thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng của từng khu vực, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể quy mô công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Trong nội dung giấy phép xây dựng tạm phải ghi rõ thời gian được phép tồn tại của công trình, hết thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, khi đó chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.

4. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tạm như quy định đối với các công trình xin cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 23 Nghị định 12/CP. 5. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch áp dụng theo quy định hiện hành; riêng phần xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm thì không được bồi thường.”
 

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn.

* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.

Trân trọng.

Chuyên mục Café Luật
 

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn