Sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng“, mới đây Bộ GTVT đã có công văn số 375 TB - BGTVT do thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký, chủ trương khôi phục lại dự án này.
Sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng", mới đây Bộ GTVT đã có công văn số 375 TB - BGTVT do thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký, chủ trương khôi phục lại dự án này.
Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai dự án khôi phục cầu Long Biên bởi dự án này hoàn toàn độc lập với dự án xây dựng cầu Long Biên mới (đã được Thủ tướng chấp thuận tại văn bản số 195CP - CN) nhằm mục đích phục vụ cho dự án đưòng sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi. Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT được giao nhiệm vụ hoàn chỉnh nội dung dự án để Tổng công ty đường sắt Việt Nam trình phê duyệt trước 15/9/2007.
Theo phương án phục hồi nguyên trạng cầu Long Biên được đông đảo các nhà chuyên môn và nhân dân hưởng ứng, thì cây cầu xây dựng năm 1898, hoàn thành năm 1902 sẽ tiếp tục in bóng nước sông Hồng trong xu thế phát triển đô thị hiện đại.
Công văn của Bộ GTVT đã phần nào đáp ứng được niềm tin của nhân dân, 19 nhịp cầu với chiều dài trên 1.600m sẽ được thay thế bằng những nhịp dầm có kết cấu và kiểu dáng như nguyên thủy. Bảy nhịp phía Hà Nội còn khá đẹp được giữ nguyên có gia cường thêm để đáp ứng yêu cầu giao thông hiện nay. Phần lề bộ hành cũng được mở rộng từ 3m (trước đây) thành 4m30 nhằm đảm bảo thông thoáng cho hai làn xe buýt, xe cơ giới chạy qua, kể cả tình huống thoát hiểm khi có sự cố.
Tuy nhiên, hiện trong giới chuyên môn vẫn tồn tại những ý kiến trái ngược, trước hết là việc khôi phục các mố trụ, dầm cầu cũ còn lại là không khả thi vì nó đã quá han rỉ, không đảm bảo chắc chắn cho 50 đến 70 năm sau.
Mặt khác, chỉ có thể kiểm tra đánh giá được mức độ bền vững của những phụ kiện lộ diện của cầu, còn phần chìm sâu trong đất dưới tác động của thời gian và bom đạn chiến tranh có tiếp tục sử dụng được hay không còn phải nghiên cứu tiếp? Thứ nữa là việc muốn sử dụng tuyến đường sắt lâu dài thì phải thay đổi theo hướng đầu tư lâu dài, mà đã cải tuyến thì không thể sử dụng tuyến đường sắt cũ được.
Vì thế, tất yếu phải xây dựng một cây cầu dành riêng cho vận tải đường sắt, như thế sẽ tốn kém tới cả trăm triệu USD. Ngoài ra, việc xây dựng thêm một cây cầu thứ ba là cầu mới dành cho đường sắt trên cao phải nằm trong không gian hẹp gồm cầu Chương Dương, cầu Long Biên cũ qua đoạn sông này thì phương án kiến trúc làm sao để tôn lên vẻ đẹp của cầu Long Biên cũ là điều không đơn giản?
Với chỉ đạo mới đây của Bộ GTVT thì nỗi lo của nhân dân trước các thông tin bỏ hẳn cầu Long Biên cũ để xây dựng cầu Long Biên mới là không còn. Chắc chắn yếu tố lịch sử văn hóa của cây cầu gắn liền với Thăng Long - Hà Nội sẽ được gìn giữ để không mất đi giá trị lịch sử không thể tính được bằng tiền của cầu Long Biên. Giá trị của cây cầu Long Biên còn được nhân lên khi trên thế giới hiện chỉ còn 2 cây cầu khác tương tự như cầu Long Biên, một ở Chi Lê và một ở Pháp nhưng có quy mô nhỏ hơn.
Điều còn đang trăn trở đối với Dự án này có lẽ là tiền và làm thế nào để khi hoàn thành vẫn đáp ứng yêu cầu giao thông hiện đại mà bảo tồn được những giá trị lịch sử văn hóa? Câu hỏi lớn này xin dành cho chủ đầu tư dự án và đơn vị tư vấn đang ngày đêm trăn trở với cây cầu mang tầm vóc lịch sử của thủ đô Hà Nội.
Theo Thành Trung - Kinh Tế & Đô Thị