Chiến lược đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ đang tạo ra một diện mạo mới trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia, từ đường bộ, đường sắt đến đường thủy và đường hàng không cùng nhiều dự án cấp tỉnh quan trọng khác. Những dự án này không chỉ tạo nên những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh mà còn kết nối, trung chuyển cho toàn khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam và cả khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Những dự án thúc đẩy phát triển kinh tế
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015 các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do trung ương quản lý sẽ được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác. Có thể kể đến là cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của cả TPHCM và Đồng Nai trong những năm tới. Quốc lộ (QL) 1A đoạn tránh Biên Hòa có chiều dài 17,4 km, điểm đầu tại khu vực nhà thờ Trà Cổ (Trảng Bom) và điểm cuối giao với QL51 có vận tốc thiết kế 80km/giờ. Sau khi xây dựng xong, sẽ giải tỏa áp lực lưu thông trên tuyến QL1A đoạn qua TP.Biên Hòa; đồng thời nối hệ thống giao thông khu vực với trục QL1, QL51, đường vành đai TP. Biên Hòa và sân bay Long Thành.
Riêng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài gần 55km có tốc độ thiết kế 120km/giờ, đi qua các quận 2, 9 của TPHCM và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất của Đồng Nai. Đây là tuyến đường được kỳ vọng kết nối hoàn thiện hệ thống đường giao thông khu kinh tế trọng điểm phía Nam, tiến tới đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh của TPHCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Phú Mỹ. Ngoài ra còn có thể kể đến các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành; cầu đường từ quận 9 sang Nhơn Trạch; tuyến đường vành đai 4 liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Sự hình thành các tuyến cao tốc, đường vành đai này sẽ rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đi TPHCM, Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.
Bên cạnh các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ, Đồng Nai đang phát triển tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và kế hoạch nối mạng đường sắt Singapore - Côn Minh (Trung Quốc) có 50 km chạy qua địa phận tỉnh để hòa vào mạng lưới đường sắt Bắc – Nam. Ngoài ra hệ thống monoray Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đưa vào quy hoạch giai đoạn 2010-2020 trong đồ án quy hoạch của Bộ Xây Dựng. Về đường thủy, thêm 6 tuyến đường thủy nội địa cũng đã được đầu tư phát triển từ nay đến năm 2015, bổ sung vào hệ thống giao thông đường thủy phong phú của Đồng Nai.
Như vậy, cùng với dự án sân bay quốc tế Long Thành, trong tương lai gần, Đồng Nai trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông phát triển hoàn thiện với đầy đủ các loại hình bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Diện mạo mới trong tương lai gần
Chính những công trình trọng điểm quốc gia về giao thông của chính phủ đã tạo một lực đẩy cho sự phát triển chung của Đồng Nai và dần thay đổi diện mạo của địa phương này. Với 37 cụm khu công nghiệp trải dài khắp tỉnh, dân số trẻ ngày càng phát triển theo chiều sâu, Đồng Nai là vùng đất lành đầy hấp dẫn của giới đầu tư đến từ hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, một con số không nhỏ nguồn lực đã được các nhà đầu tư dồn vào thị trường bất động sản vừa chớm nở ở nơi đây.
Nếu so với câu chuyện hóa rồng thành công của vùng đất đầm lầy, không có giá trị cao về kinh tế lẫn vị trí địa lý – Nam Sài Gòn nhưng nhờ được đầu tư hạ tầng giao thông bài bản và đồng bộ thì những thay đổi ở Đồng Nai trong thời gian tới được dự báo sẽ rất ngoạn mục.
Nguồn: Theo Dân Trí