Hàng loạt chung cư cũ ở các đô thị lớn sẽ được xây lại vì chính sách bồi thường mở rộng đáng kể
Bộ Xây dựng vừa hoàn tất nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà tập thể cũ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành. Theo đó, hàng loạt chung cư cũ ở các đô thị lớn sẽ được xây mới vì chính sách bồi thường được mở rộng đáng kể.
Bồi thường bằng tiền và nhà
Theo dự thảo nghị định, chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp nhà ở và công trình xây dựng trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại khu nhà ở cũ mà phải di dời để giải phóng mặt bằng thì được bồi thường bằng tiền hoặc bằng nhà hoặc vừa bằng tiền vừa bằng nhà căn cứ theo nhu cầu của người được bồi thường và điều kiện của từng dự án.
Đối với dự án tái định cư tại chỗ, mỗi căn hộ cũ được bồi thường căn hộ mới với diện tích tối đa gấp 1,5 lần. Trường hợp phải bồi thường bằng căn hộ tại địa điểm mới nằm trong cùng một quận, căn hộ mới có diện tích tối đa bằng 2 lần căn cũ.
Nếu căn hộ mới nằm khác quận, diện tích tối đa bằng 2,5 lần. Diện tích căn hộ mới không nhỏ hơn 30 m2. Phần chênh lệch diện tích giữa căn hộ cũ và căn hộ mới (nếu có) được thanh toán bằng tiền theo suất đầu tư xây dựng mới của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với căn hộ tầng 1, khi chuyển lên tầng cao hơn, ngoài hệ số diện tích, chủ sở hữu còn được bồi thường bổ sung theo hệ số bằng 1,1 lần diện tích đã bị thu hồi.
Hàng loạt chung cư cũ ở các đô thị lớn sẽ được xây lại. Trong ảnh: Một chung cư xuống cấp ở Hà Nội |
Dự thảo nghị định cũng đề xuất cơ chế cho người đang thuê chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước (chưa mua theo Nghị định 61/CP). Theo đó, nếu muốn được bồi thường như trường hợp đã sở hữu thì phải nộp tiền mua căn hộ cũ cho Nhà nước theo quy định.
Trường hợp nhà ở thấp tầng, nhà phố mà phải di dời thì được bồi thường bằng căn hộ chung cư tại địa điểm cũ nếu dự án có quỹ nhà ở để bố trí tái định cư hoặc bằng căn hộ chung cư tại địa điểm mới nếu dự án không có quỹ nhà ở để bố trí tái định cư tại địa điểm cũ (sau khi xây dựng lại). Đơn giá bồi thường quyền sử dụng đất, nhà ở cũ và giá mua nhà tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc sát giá thị trường.
Đặc biệt, nếu chủ sở hữu căn hộ mới không có khả năng trả một lần tiền chênh lệch giữa diện tích căn hộ cũ và căn hộ mới thì được trả góp trong thời gian tối đa 10 năm, đồng thời được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi.
Trường hợp chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng trong dự án cải tạo, xây dựng lại khu nhà ở cũ không có nhu cầu tái định cư sẽ được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất hoặc giá trị căn hộ chung cư cũ bằng tiền.
Trong tất cả các trường hợp, phương án bồi thường, tái định cư phải được lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có quyền lợi liên quan. Các phương án sẽ được thông qua nếu có 2/3 tổng số ý kiến người dân chấp thuận.
Cơ hội “giải phóng” 100.000 hộ dân
Rất khó đạt mục tiêu
Theo Bộ Xây dựng, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 34/2007/NQ-CP, một số dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được khởi công. Đó là dự án khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ (Hà Nội); cụm chung cư Nguyễn Kim, Lý Thường Kiệt (TPHCM)... Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết tình hình triển khai và kết quả còn hạn chế, vì vậy rất khó đạt được mục tiêu “đến năm 2015 hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã hết niên hạn sử dụng tại các đô thị trên cả nước” mà Nghị quyết 34 đề ra. |
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, hiện các đô thị trên cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, có hơn 200 khối nhà chung cư với khoảng 10.000 hộ dân đã xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM.
Bộ Xây dựng cho rằng các chung cư cũ bị hư hỏng cần cải tạo, xây dựng lại chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm của các TP lớn, có vị trí thuận lợi, nếu có phương án đầu tư, khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm thực hiện cải tạo riêng lẻ từng khối nhà chung cư cũ nằm ở các vị trí có khả năng sinh lợi cao mà chưa triển khai cải tạo theo mô hình dự án tổng thể, đồng bộ.
Nguyên nhân cơ bản là do thiếu quỹ nhà để phục vụ cho công tác di dời, bố trí tái định cư; việc lựa chọn, chỉ định chủ đầu tư của chính quyền các địa phương chưa thực sự phù hợp; năng lực tài chính và kinh nghiệm của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án đồng bộ có quy mô lớn...
Để thúc đấy việc “xóa” chung cư cũ, theo dự thảo nghị định, Nhà nước cần đưa dự án cải tạo, xây dựng lại khu nhà ở cũ tại khu vực đô thị vào danh mục ưu đãi đầu tư, thuế, quỹ đất... Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị căn cứ vào quy hoạch phân khu 1/2000, UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo lập và phê duyệt danh mục các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo thứ tự ưu tiên.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động