Xây dựng cơ bản: Quy hoạch dở, luật chồng lên luật

Cập nhật 21/08/2008 16:00

Quy hoạch yếu kém, cục bộ, không gắn liền với kế hoạch vốn; văn bản luật quá nhiều và liên tục thay đổi là nguyên nhân chính của những bất cập trong đầu tư xây dựng...

Quy hoạch yếu kém, cục bộ, không gắn liền với kế hoạch vốn; văn bản luật quá nhiều và liên tục thay đổi là nguyên nhân chính của những bất cập trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện chính sách pháp luật về XDCB sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2005 - 2007 đang bước vào tháng làm việc cao điểm.

Từ các cuộc làm việc và báo cáo ban đầu của các bộ, ngành, địa phương đã cho thấy những bất cập, bức xúc cơ bản trong triển khai các dự án đầu tư XDCB.

Dự toán trên 7.000 tỷ đồng, giải ngân 500 tỷ

Làm việc với Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội về dự án xây dựng ĐHQG HN tại Hòa Lạc (Hà Nội), đoàn giám sát của UBTVQH được nghe đầy đủ nguyên nhân một dự án “chậm điển hình”.

Sau 6 năm có quyết định đầu tư, dự án có tổng giá trị dự toán năm 2002 là 7.230 tỷ đồng (đến nay có thể gấp đôi do trượt giá) mới chỉ giải ngân được… 500 tỷ. Đa số các dự án thành phần có tốc độ giải ngân chỉ bằng 30% kế hoạch.

Ban quản lý dự án ĐHQG lý giải do quy hoạch chung thiếu ổn định, khi bắt tay thực hiện thì ĐHQG phải mời tư vấn quy hoạch của nước ngoài. Địa giới mà Chính phủ giao cho ĐHQG làm dự án lại nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tây (cũ) - Hòa Bình nên rất khó khăn cho phê duyệt quy hoạch. Thêm vào đó, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư cũng khiến dự án chậm triển khai.

Quy hoạch dở, kế hoạch vốn bất hợp lý không chỉ gây chậm trễ trong việc triển khai dự án mà còn gây lãng phí rất lớn.

TS. Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban Kinh tế dẫn dụ: Giữa tháng 11/2005, trái phiếu Chính phủ được phát hành, cùng lúc đó QH đã quyết định ngân sách cho năm 2006. Và ngay lập tức vốn được “bổ đầu” cho các dự án và các địa phương.

Các chủ dự án nhận tiền mà không thể giải ngân hết trong năm 2006, đơn giản chỉ vì thời gian khảo sát, thiết kế, đánh giá hiệu quả kinh tế cho một dự án được QH phê duyệt phải mất 12 - 18 tháng.

Báo cáo của UBND tỉnh Đăk Lăk cũng thừa nhận rằng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng vẫn còn "mang tính tình thế", "nhu cầu đến đâu phát triển đến đó, quy hoạch chưa gắn kết với khả năng huy động vốn".

Tính cục bộ, xu hướng khép kín trong các quy hoạch đã gây nên sự lãng phí các nguồn lực do sự phát triển chồng chéo, dư thừa công suất hoặc cản trở sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Tại Cần Thơ, trong buổi làm việc với đoàn giám sát, phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Sếp kiến nghị: "Để tránh dàn trải, lãng phí và đầu tư có hiệu quả, công tác quy hoạch phải tính đến tầm nhìn cân đối vốn, dựa trên cơ sở khoa học, tránh sửa đổi tùy tiện. Công tác lập các dự án đầu tư cũng theo quy hoạch và các kế hoạch dài hạn theo ngành, vùng, lãnh thổ và địa phương".

Văn bản luật thay đổi "xoành xoạch"

Sự ra đời hàng loạt của các văn bản quy định về đầu tư XDCB ở đủ mọi cấp, ngành cũng là một nguyên nhân trực tiếp gây trậm trễ khi tiến hành thủ tục đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long lên đoàn giám sát, nếu căn cứ theo các quy định của văn bản pháp luật thì tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình một dự án nhóm A mất 1.250 ngày, tương đương 42 tháng. Thời gian đối với dự án nhóm B là 29 tháng và với dự án nhóm C là 23 tháng.



Công viên Tuổi trẻ (Hà Nội) được phê duyệt từ năm 2002,
nay tiến độ dự án vẫn dậm chân tại chỗ, “mặt tiền” bị biến thành
nơi tập kết phế thải xây dựng và xe thu gom rác. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.


Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết: "Chỉ cần lên mạng tìm kiếm các văn bản có chữ XDCB thì số lượng văn bản cả cũ và mới khoảng 1.000". Ông Nguyễn Văn Sếp cũng than thở: “Người phụ trách lĩnh vực XDCB chỉ nghiên cứu các nghị định đã oải rồi, nói gì đến thông tư”.

Vẫn theo ông Sếp, điều mà nhiều người bức xúc nhất là văn bản quy định về đầu tư XDCB thay đổi xoành xoạch, mỗi bộ quy định một kiểu nên “mỗi khi xử lý một công việc lại phải bày 3-4 văn bản trước mặt để đối chiếu”.

Đơn cử, tháng 2/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 16 thì tháng 9/2006 đã ban hành Nghị định 112 sửa đổi nghị định này. Sau khi có hai văn bản, Bộ Xây dựng áp dụng mô hình ban quản lý dự án một kiểu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại cho ra đời một kiểu khác.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất: Nên thống nhất quy định quản lý đầu tư XDCB cả về quy hoạch, phân bổ vốn đầu tư, tổ chức ban quản lý dự án, giải phóng mặt bằng... bằng luật đầu tư công thay cho hệ thống văn bản quá nhiều như hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Kiên lại phân vân: “Nếu đưa tất cả vào Luật Đầu tư công, thì phạm vi điều chỉnh của nó bao trùm rất nhiều lĩnh vực hiện nay, ít nhất là với các Luật: Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở, Đất đai, Ngân sách. Liệu một luật điều phối năm luật như thế thì có khả thi không, đội ngũ thực hiện có đủ năng lực thực hiện nó không? Đây là vấn đề lớn cần được đặt ra”.

Theo Vietnamnet