Hà Nội vừa thống nhất với Bộ GTVT tách hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên sang một cây cầu khác sẽ được xây mới về phía thượng lưu của cầu cũ.
Hà Nội vừa thống nhất với Bộ GTVT tách hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên sang một cây cầu khác sẽ được xây mới về phía thượng lưu của cầu cũ.
Đang đi chung được "đẩy" xa 30m
Trước đó, có cơ quan tham mưu cho Hà Nội từng nêu ý định kết hợp dự án khôi phục cầu Long Biên với dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên, nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng phần phố cổ và trạm xe buýt mới hoàn thành, đưa vào sử dụng chưa lâu.
Cầu Long Biên theo ý tưởng này sẽ được cải tạo với 2 làn đường sắt đô thị chạy giữa, hai bên có làn xe máy, xe đạp, phương tiện thô sơ. Người bộ hành vẫn đi ở hai "cánh gà".
Cầu Long Biên không chỉ có "cuộc sống riêng" của nó, mà còn gắn bó với cuộc sống của rất nhiều người... (Ảnh tư liệu) |
Để thực hiện phương án này, cơ quan chuyên môn của Thủ đô tính toán vừa phải cải thiện điều kiện giao thông cho nút đầu phía nam cầu Long Biên thường xuyên ùn tắc vì nằm gần khu vực nội thành cũ, trên trục giao thông lớn, vừa phải hạn chế tối đa phạm vi giải phóng mặt bằng khu dân cư hiện hữu.
"Có thể phải mở rộng nút về phía ngoài đê, kết hợp cải tạo lại đoạn đê này để tăng khả năng thông qua của nút" - một phương án từng được các nhà chuyên môn tính đến khi ấy, nhằm tận dụng mặt bằng hiện có, giảm thiểu đền bù.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã không thành hiện thực ngay cả trên "giấy trắng mực đen", bởi chính một cơ quan tham mưu khác của Thủ đô lại cho rằng đề xuất này cần "chỉnh" cho phù hợp quan điểm của Bộ GTVT là "xây cầu Long Biên mới riêng cho đường sắt cách cầu cũ 30m về phía thượng lưu, dài 1.754m). Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) sẽ không đi chung với cầu Long Biên hiện có".
Thế là, cầu Long Biên được các cơ quan Hà Nội thống nhất chỉ bảo tồn như một cầu đường bộ dành cho xe buýt, du lịch, xe con, xe đạp, thô sơ và người bộ hành, với kết cấu cầu phần trên (dầm thép) được làm mới kết hợp sửa chữa, đảm bảo khả năng chịu lực, đáp ứng yêu cầu giao thông hiện tại và lâu dài.
Hà Nội cũng muốn nâng toàn bộ hệ cầu Long Biên hiện nay lên cao hơn 3m và sử dụng lại toàn bộ 18 trụ cùng 2 mố cũ của cầu (không sử dụng các trụ tạm). "Các mố trụ cũ phải được thiết kế mới đủ chịu lực hoặc nâng cao gia cố, cải tạo sửa chữa đảm bảo thông thuyền, thông xe đường ôtô chạy phía dưới" - cơ quan chuyên môn Hà Nội nêu ý kiến.
Đang xa 30m được đề nghị xa 300m
Những ngày cuối năm 2009, sau cuộc họp với Bộ GTVT về phương án khôi phục, cải tạo cầu Long Biên, lãnh đạo Hà Nội giữ nguyên quan điểm muốn "nâng chiều cao thông thuyền của cầu để bảo đảm thuận lợi cho giao thông đường thủy, đồng thời hạn chế việc giải phóng mặt bằng xây dựng đường dẫn".
Với nút giao đầu cầu phía Nam thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, phía UBND TP Hà Nội và các cơ quan chuyên môn trước sau luôn mong muốn không giải tỏa khu vực nhà dân khu phố cũ và trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (Chính phủ Pháp tài trợ) vừa đưa vào sử dụng dịp tháng 3/2009. Muốn vậy, cần nghiên cứu mở rộng nút về phía bãi sông Hồng, cải tạo đoạn đê tại đây cho phù hợp.
Nút giao đầu cầu phía Bắc, theo các cơ quan chuyên ngành Thủ đô - việc giải quyết đơn giản hơn, chỉ cần thiết kế cải tạo lại nút giao trên cơ sở mặt bằng hiện tại để các đường lên xuống cầu thuận lợi.
"Hình dáng cũ" là hình dáng nguyên vẹn khi chưa bị chiến tranh tàn phá, hay kiến trúc chỉ còn 1 đoạn nhấp nhô gần ga Long Biên bây giờ? (Ảnh tư liệu) |
"Tổ chức giao thông cho các phương tiện phải kết hợp hài hòa giữa mục đích bảo tồn với hạn chế sử dụng cho giao thông đô thị" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhận định, đồng thời đề nghị Bộ GTVT cân nhắc thêm về qui mô mặt cắt ngang cầu: như hiện tại, hoặc phương án 15,6m, hoặc phương án 16,9m.
Đáng chú ý, tuy thống nhất với việc tách hệ thống đường sắt trên cầu để phục vụ hoạt động của tuyến đường sắt quốc gia qua sông Hồng sang cây cầu sẽ xây dựng mới, Hà Nội đề nghị Bộ GTVT và đơn vị tư vấn nghiên cứu, khảo sát cụ thể phương án chuyển dịch cầu đường sắt ra xa cầu Long Biên khoảng 200 - 300m về phía thượng lưu.
"Không lựa chọn phương án xây dựng cầu mới gần với cầu Long Biên, làm ảnh hưởng tới cảnh quan mỹ thuật, kiến trúc của cầu Long Biên, giảm tải người, phương tiện giao thông qua khu vực phố cổ" - lãnh đạo Hà Nội nêu ý kiến.
Còn cầu Long Biên - theo nguyện vọng của phía Hà Nội - cần được thực hiện theo hướng bảo tồn, tôn tạo đúng kiểu dáng của cây cầu. Kết cấu chịu lực của cầu có thể khôi phục, cải tạo mới nhưng vẫn phải có hình dáng cũ.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet