"Va chạm" vì phân cấp!

Cập nhật 19/11/2007 13:00

Kết quả điều tra phân cấp thực hiện ở 7 tỉnh công bố tại "Diễn đàn quản lí kinh tế địa phương" được tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội, cho thấy một số tỉnh...

Kết quả điều tra phân cấp thực hiện ở 7 tỉnh công bố tại "Diễn đàn quản lí kinh tế địa phương" được tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội, cho thấy một số tỉnh muốn đẩy mạnh quá trình phân cấp hơn nữa.

Chính sách thiếu đồng bộ

Phân cấp là một chính sách đúng đắn tuy nhiên quá trình thực hiện lại bộc lộ một số hạn chế. Từ phía Trung ương, hạn chế lớn nhất theo nhóm chuyên gia của dự án VNCI - thực hiện ở 7 tỉnh (Vĩnh Phúc, Hà Tây, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Dương, Tiền Giang) - là chính sách thiếu đồng bộ. Cụ thể, một loạt các văn bản chậm ban hành hướng dẫn.

Đơn cử như các tỉnh đều phàn nàn rất nhiều trong việc cấp phép cho một lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tỉnh có cam kết với nhà đầu tư xem xét và trả lời trong khoảng thời gian nhất định nhưng vì "dính" vào đầu tư có điều kiện nên tỉnh phải đi hỏi các bộ, không chỉ một bộ mà rất nhiều bộ.

Kết quả là phải chờ lâu. Điều đó chứng tỏ việc chậm ban hành các hướng dẫn liên quan đến đầu tư có điều kiện đã cản trở một loạt các khoản đầu tư của tỉnh. Thậm chí, nhiều tỉnh cho rằng đây như một dạng "giấy phép con" mới.

Chính từ sự chậm ban hành hướng dẫn và thiếu đồng bộ này dẫn tới các quy định mâu thuẫn với nhau. Như trường hợp cấp phép đất xây dựng, để có giấy phép xây dựng phải có dự án được phê duyệt, để có dự án phê duyệt được phải có quy hoạch, để có quy hoạch phải có đất. Như vậy, chúng ta phải đi một vòng tròn và dẫn đến rất khó cho địa phương ở phía dưới.

Một minh chứng khác là chính sách thuế thay đổi bất thường. Nhiều tỉnh than phiền, khi nghị định 71 cho phép miễn thuế đối với các chung cư cao tầng thì Nghị định 81 lại có một số thay đổi.

Chính sự thay đổi, theo phản ánh của các địa phương, làm cho họ rất khó trong trả lời các thắc mắc của nhà đầu tư: liệu có được tiếp tục hay không tiếp tục hưởng ưu đãi này? Thực tế đó đã gây ra một số "va chạm" giữa địa phương và các nhà đầu tư.

Những biểu hiện về sự không công bằng trong phân chia thuế được nhóm nghiên cứu của VNCI dẫn giải ở một số khía cạnh. Thứ nhất, một số tỉnh thu nhiều nhưng lại được chi ít. Thứ hai liên quan đến dân số.

Ông Vũ Thành Tự Anh, thành viên của nhóm chuyên gia đưa ra ví dụ cụ thể, ở Bình Dương hiện có khoảng 1,4 triệu người nhưng trên niên giám thống kê chưa đến 1 triệu. Trong khi đó mức độ chi từ Trung ương như về giáo dục, y tế lại căn cứ vào dân số. Như vậy, đang tồn tại sự bất cập.

Các tỉnh cũng phàn nàn một số khoản thuế như thuế xuất nhập khẩu địa phương thu hộ trung ương, mặc dù tốn nguồn lực nhưng không được trung ương trả công. Thứ ba, tỉ lệ đóng góp giữa thu và chi.

Liên quan đến vấn đề này, nhóm nghiên cứu của VNCI đã xem xét tại 4 địa phương (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), nếu không tính dầu mỏ, đóng góp thuần cho ngân sách (sau khi cộng tất cả các khoản thu và trừ đi các khoản trợ cấp) chiếm khoảng 57% của cả nước.

Tỉ trọng trong tăng trưởng dân số theo số liệu tăng trưởng bình quân của cả nước là 1,3 - 1,4%/năm nhưng theo ước lượng của nhóm nghiên cứu thì tốc độ tăng dân số của TP.HCM cao hơn nhiều khoảng 4 - 5%. Mỗi năm có khoảng 300 - 400 ngàn người di cư vào TP.HCM theo nhiều dạng khác nhau.

Với tỉ trọng dân số cao như vậy, tức là trách nhiệm cung ứng dịch vụ công về cơ sở hạ tầng rất lớn. Trong khi họ đóng góp nhiều cho ngân sách thì phần chi của họ chiếm khoảng 10%. Một số tỉnh nói rằng phần chi này không đủ để tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trên thực tế, theo chuyên gia của VNCI, với khoảng 10% này các tỉnh sử dụng hiệu quả vẫn có thể trang trải được.Về phía chính quyền địa phương, quyền tự chủ của chính quyền địa phương được xem là hạn chế lớn nhất.

Bên cạnh đó là tình trạng năng lực cán bộ bất cập (so với nhiệm vụ), thiếu năng động về huy động nguồn lực và thiếu linh hoạt về chi tiêu đang là những hạn chế rất lớn tại nhiều tỉnh của Việt Nam.

Những giải pháp căn bản

Mặc dù chưa đưa ra lời giải nhưng các chuyên gia của VNCI cũng gợi mở một vài cách nghĩ để tham khảo. Theo đó, cần xác định mục tiêu của các tỉnh và tìm hiểu những điều gì ràng buộc sự phát triển của tỉnh để từ đó lựa chọn chính sách phù hợp nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo đề xuất của chuyên gia VNCI, chính sách đầu tiên là phát triển giáo dục và dạy nghề, đặc biệt giáo dục phổ thông. Trong trào lưu thu hút FDI của Việt Nam, mỗi năm khoảng 10 tỷ USD thì tỉnh nào có lao động kỹ năng, tỉnh đó sẽ là nơi thu hút được đầu tư. Do đó, lao động kỹ năng là then chốt.

Thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là điều các nhà tài trợ cũng như chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy rất rõ và quan tâm. Nhưng có một số nơi có nhu cầu cao hơn nơi khác. Ví dụ như miền Đông Nam Bộ có nhu cầu rất cao về cơ sở hạ tầng nhưng lại không được đầu tư thoả đáng. Trong trường hợp cầu Đồng Nai sập thì cả hệ thống giao thông ở miền Đông Nam Bộ bị tắc nghẽn.

Thứ ba là xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện. Đây là điều mà địa phương có thể chủ động được với sự năng động và tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. Thứ tư là nâng cao chất lượng quản trị và điều hành của địa phương. Thứ năm là liên kết vùng. Trên thực tế, giữa các địa phương đã có sự hợp tác và phối hợp vùng nhưng còn khá lỏng lẻo.

Ngoài các biện pháp chủ động nêu trên, chuyên gia của VNCI cũng nêu ra 3 biện pháp thụ động: đi vay, khai thác tài nguyên thiên nhiên và xin đầu tư của chính quyền T.Ư.

Theo Vneconomy