Ưu tiên khép kín hai tuyến vành đai

Cập nhật 10/03/2008 10:00

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020...

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020, sau khi đã hoàn chỉnh theo góp ý của các Bộ, ngành và UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT. Đồ án đã cập nhật những nội dung nghiên cứu của Quy hoạch phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội do JAICA tài trợ và các dự án đã được phê duyệt về đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc....

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, do mức độ đầu tư phát triển vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của TP nói chung và tốc độ đô thị hóa nói riêng nên hiện nay hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề yếu kém. Những yếu kém này thể hiện ở tất cả các mặt, từ kết cấu hạ tầng giao thông đến hoạt động vận tải hành khách công cộng và quản lý phương tiện giao thông cá nhân.

Hệ quả là tình trạng ách tắc giao thông ngày càng gia tăng, vấn đề mất an toàn giao thông, tiềm ẩn những nguy cơ hạn chế mức độ tăng trưởng kinh tế, xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.

Để triển khai quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2020, cần phải có nguồn vốn đầu tư khoảng 208.954 tỷ đồng (12,98 tỷ USD). Trong đó, vốn cho các dự án đường bộ là 77.963 tỷ, các dự án đường sắt (gồm cả đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị kết hợp xe buýt nhanh) là 97.469 tỷ, đường thủy là 27.412 tỷ, sân bay là 8.100 tỷ, 3.792 tỷ cho công tác quản lý giao thông và an toàn giao thông, còn lại là 488 tỷ cho công tác tăng cường thể chế chính sách.

Trước mắt, theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần tập trung đầu tư triển khai một số dự án trọng điểm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị để phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dự kiến kinh phí thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2010 là 41.115 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm: Cải tạo, nâng cấp một số trục quốc lộ hướng tâm và cao tốc hướng tâm:quốc lộ 1 (phía Nam và phía Bắc), quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 32. Xây dựng đường cao tốc hướng tâm: cao tốc Láng - Hòa Lạc, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh.

Xây dựng khép kín đường vành đai 2, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai. Xây dựng khép kín đường vành đai 3, đoạn Sài Đồng - Ninh Hiệp - Nội Bài và đoạn tuyến cao tốc nối từ Ninh Hiệp tới đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Triển khai xây dựng phần đường vành đai 3 cao tốc cho đoạn Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Thanh Trì.

Đồng thời, cải tạo, mở rộng, kết hợp xây dựng mới một số trục chính đô thị, các đường phố chính và các nút giao thông cùng mức, khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông… Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 và tiến hành nghiên cứu, huy động vốn xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn trong nội thành Hà Nội).

Xây dựng thí điểm 2 tuyến xe buýt ưu tiên theo hành lang Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Giảng Võ và hành lang Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Hàng Bài (theo dự án phát triển giao thông Hà Nội đã được UBND TP phê duyệt).

Cùng với các dự án đường bộ, việc cải tạo, chỉnh trị luồng tàu trên sông Hồng và cải tạo nâng cấp các bến, cảng đã được tính đến với đề xuất nghiên cứu xây dựng mới cảng Phù Đổng (của tuyến sông Đuống). Bên cạnh đó là mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài để tăng công suất của cảng hàng không này lên 10 triệu hành khách/năm.

Hiện nay Quy hoạch vùng Thủ đô đang được Bộ Xây dựng tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu điều chỉnh.

Để có căn cứ pháp lý cho việc triển khai các dự án phát triển giao thông vận tải của TP Hà Nội trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Đồng thời giao UBND TP Hà Nội tổ chức công bố quy hoạch; phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Xác định các nguồn vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm tính khả thi của đồ án quy hoạch cũng là vấn đề quan trọng mà Hà Nội cần có sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng.

Theo Kinh Tế Đô Thị