Ưu tiên cho hộ tái định cư thuê đất kinh doanh tại nơi ở mới

Cập nhật 25/07/2013 10:43

Hình ảnh “nhếch nhác” của các dãy hàng quán mọc lên ngay dưới chân cầu thang lên xuống hoặc xung quanh khuôn viên chung cư tái định cư đang làm mất đi tính mỹ quan của bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, với những người dân sống trong các tòa nhà này thì đấy lại là “kế sinh nhai” của họ.

Hình ảnh “nhếch nhác” của các dãy hàng quán mọc lên ngay dưới chân cầu thang lên xuống hoặc xung quanh khuôn viên chung cư tái định cư đang làm mất đi tính mỹ quan của bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, với những người dân sống trong các tòa nhà này thì đấy lại là “kế sinh nhai” của họ.


Theo quy định về đền bù giải phóng mặt bằng, các hộ dân trong diện bị giải tỏa sẽ được mua một căn hộ chung cư mới với mức giá ưu đãi hơn so với thị trường. Tuy nhiên, với nhiều người dân nằm trong diện giải tỏa, lo nhiều hơn mừng. Trường hợp Ông Lâm bán nước tại cầu thang chung cư Đền Lừ 2 là một ví dụ.

Ông Lâm cho biết: Gia đình ông trước kia ở ngã ba Vĩnh Tuy – Minh Khai và dọn về chung cư này từ năm 2005 theo diện giải tỏa của dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Ở nhà cũ, gia đình 5 – 6 miệng ăn của ông trông cả vào hàng bánh mỳ pate và bán hàng ăn tối cho các khách xe liên tỉnh qua lại tuyến này. Từ ngày về nhà mới, nhận căn hộ tầng 6, gia đình ông phải mở tạm quán nước dưới chân cầu thang để có “đồng ra đồng vào” không thì chả biết trông cậy vào đâu vì hàng chục năm nay hai vợ chồng chỉ biết mỗi việc kinh doanh tại nhà.

Đấy chỉ là một trong rất ít trường hợp hộ dân tái định cư bị “mất kế sinh nhai” do phải di chuyển chỗ ở. Bởi vậy, “cái khó ló cái khôn”, các hộ quá khó khăn buộc phải dựng tạm quán nước hay gánh hàng ăn sáng phục vụ ngay bà con trong tòa nhà và khu vực lân cận. Nhắc nhở và yêu cầu dẹp bỏ mãi cũng không xong, Ban quản lý nhiều chung cư tái định cư cũng đành “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Trên thực tế khi bàn giao mặt bằng để di dời đến chỗ ở mới, cuộc sống của nhiều người dân gặp khó khăn do xáo trộn việc làm. Đặc biệt, các hộ dân đang sinh sống ở mặt đường và có cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê bị ảnh hưởng về thu nhập, việc làm... Tại chỗ ở mới, nhiều người dân thực sự có nguyện vọng được bố trí một chỗ kinh doanh với giá cả hợp lý để không bị xáo trộn cuộc sống “bám đường phố” trước đây.

Từ thực trạng này, tại dự thảo Nghị định quy định phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, Bộ Xây dựng cũng chủ động đề xuất ưu tiên hộ tái định cư được thuê diện tích kinh doanh tại nơi ở mới. Đây cũng là một trong những điểm mới được người dân trông đợi.

Theo Bộ Xây dựng, cần ưu tiên cho các hộ dân tái định cư được tham gia hoạt động dịch vụ kinh doanh ngay chính tại nơi ở mới. Nếu các tòa nhà thương mại có lẫn căn hộ tái định cư thì ưu tiên hộ gia đình, cá nhân tái định cư được khai thác phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thông qua đấu giá nếu mức giá trúng thầu ngang bằng nhau. Tại các khu nhà ở tái định cư được đầu tư xây dựng trực tiếp thì chủ đầu tư dành tối đa không quá 2/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo công ăn, việc làm cho người dân.

Cùng với đề xuất mang tính đột phá này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nguyên tắc cụ thể khi phát triển loại hình nhà ở tái định cư. Theo đó, nhà tái định cư phải bảo đảm để các hộ gia đình, cá nhân được bố trí điều kiện ở, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ. Cùng đó, việc phân định cụ thể trách nhiệm trong quản lý nhà tái định cư cũng được quan tâm đặc biệt.

Nhiều năm qua, công tác quản lý chất lượng nhà ở tái định cư bị buông lỏng (từ khâu lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công xây lắp) khiến việc triển khai các dự án nhà ở tái định cư luôn bị động, chậm tiến độ, chất lượng kém, thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội... Việc tuân thủ chưa nghiêm quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng nhà ở tái định cư đã gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân, tạo dư luận xấu trong xã hội về loại hình nhà ở này.

Hiện tượng buông lỏng quản lý được Bộ Xây dựng xác định là một trong nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nhà tái định cư, do đó phải phân định cụ thể và rõ ràng cho từng đối tượng triển khia xây dựng cũng như quản lý quỹ nhà ở này. Bộ Xây dựng cho rằng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý vận hành nhà chung cư đó (thông qua bộ phận trực thuộc của mình hoặc ký hợp đồng thuê doanh nghiệp có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện). Trường hợp mua nhà ở thương mại để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thì doanh nghiệp đang quản lý vận hành nhà ở đó thực hiện quản lý vận hành nhà ở tái định cư.

Mặc dù pháp luật về xây dựng, nhà ở đã quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó có các loại hình nhà ở, nhưng thực tế thì chất lượng nhà ở tái định cư luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Bởi vậy, việc quy định trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức và cá nhân liên quan trong việc tổ chức quản lý chất lượng công trình nhà ở tái định cư là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Người dân đã tình nguyện hợp tác với các cơ quan chức năng để giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình theo đúng quy hoạch và kế hoạch của địa phương thì cần phải tạo dựng cho họ môi trường sống tốt đẹp hơn. Bởi vậy, những điểm đổi mới trong chính sách quản lý và phát triển nhà ở tái định cư sẽ xóa đi “tiếng xấu đồn xa” về loại hình nhà ở này; giúp thúc đẩy nhanh việc di dân thực hiện giải phóng mặt./.