Ưu tiên bố trí vốn giải phóng mặt bằng

Cập nhật 31/07/2010 16:20

Ngày 30-7, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ thực hiện dự án Nâng cấp đô thị TPHCM - một trong những dự án quan trọng nhất của TPHCM, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân.

Ngày 30-7, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ thực hiện dự án Nâng cấp đô thị TPHCM - một trong những dự án quan trọng nhất của TPHCM, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân. Dự án được tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng vốn đầu tư khoảng 7.350 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 2004 và dự kiến kết thúc vào năm 2014.

Chỉnh trang đô thị


Ông Nguyễn Hoàng Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị TPHCM, cho biết toàn bộ dự án này được chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 (2004 - 2006) có hai hạng mục “Nâng cấp cơ sở hạ tầng trong các khu dân cư thu nhập thấp ở lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm” và “ Lập quỹ quay vòng vốn cho người dân có thu nhập thấp vay để nâng cấp nhà ở”, với tổng vốn 347 tỷ đồng. Hiện nay, giai đoạn này đã hoàn thành và được đại diện WB đánh giá tốt.

Nhận xét ấy đã được ghi rất rõ trong biên bản ghi nhớ được ký vào cuối tháng 8-2009 giữa TPHCM và đại diện WB về việc thực hiện dự án này. Theo đó, trong giai đoạn 1, ban quản lý dự án đã cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật gồm chỉnh trang hệ thống đường, hẻm, hệ thống cấp, thoát nước, chiếu sáng công cộng cho 33 khu dân cư thu nhập thấp tại quận 6, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân. Rất nhiều hẻm nhỏ, lầy lội trong khu vực đã được chỉnh trang và đã có 22.802 hộ dân được hưởng lợi từ dự án này.

Tuy nhiên, giai đoạn 1 không dừng ở đây. Sau khi chỉnh trang đô thị, dự án còn dành một nguồn vốn không nhỏ cho người dân vay xây, sửa lại nhà ở. Trung bình mỗi hộ dân được vay 15 triệu đồng. Ý nghĩa nhân văn to lớn của dự án chính là ở hạng mục này.

Cùng với đường mới, hẻm mới… người dân đã có nhà mới. Sau khi trả hết khoản vay trên, nếu người dân có yêu cầu, dự án cũng dành sẵn một nguồn vốn có thể cho vay thêm 15 triệu đồng/hộ làm vốn kinh doanh, cải thiện đời sống.

Đại diện WB đã đi kiểm tra và xác nhận có khoảng 21.300 hộ dân được vay tiền, trong đó có 9.681 hộ vay kinh doanh. Hạng mục hỗ trợ vốn đã được thực hiện khá tốt với tỷ lệ hoàn vốn là 99,24%.

Chính vì những nội dung này mà dự án Nâng cấp đô thị TPHCM đã được gọi là dự án… chỉnh trang đô thị cho người nghèo.

Cải thiện môi trường


Giai đoạn 2 của dự án đã được triển khai ngay sau khi hoàn tất giai đoạn 1. Trong đó 2 năm đầu (2006 - 2008) là khoảng thời gian chuẩn bị đầu tư để bắt đầu triển khai thi công các hạng mục từ năm 2009. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đã hoàn tất khối lượng công trình trị giá khoảng 1.800 tỷ đồng. Tuy vẫn lo lắng về công tác giải phóng mặt bằng nhưng ông Nguyễn Hoàng Nhân khẳng định, tiến độ này đang nằm trong khung thời gian triển khai của dự án.


Đường Lũy Bán Bích sẽ được mở rộng, chỉnh trang. Ảnh: Đức Trí

“Nếu một số quận, huyện - nơi có dự án đi qua - không đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, e rằng các đơn vị thi công khó đảm bảo tiến độ thi công” - ông Nguyễn Hoàng Nhân nhận định. Riêng hạng mục nâng cấp đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), do có sự thay đổi từ mở rộng, cải tạo một bên đường sang mở rộng, cải tạo cả 2 bên đường nên tổng vốn đầu tư đã tăng từ 741 tỷ đồng lên 1.019 tỷ đồng.

Đây là nguyên nhân chính làm tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 của dự án tăng lên.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo Sở Tài chính, kho bạc và các sở, ngành liên quan phải ưu tiên xem xét phê duyệt các dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án công ích của TP, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn ODA, vốn ngân sách… Các đơn vị nêu trên phải thành lập tổ công tác, thường xuyên làm việc với các quận, huyện (chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng) để cùng tháo gỡ ngay những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư nhanh chóng tìm nguồn vốn để xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.

“Nếu nước thải không được xử lý trước khi thải ra sông, kênh rạch của TPHCM, những nỗ lực cải thiện môi trường các lưu vực này sẽ không đạt được kết quả như mong muốn” - đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Một số hạng mục nâng cấp đô thị trong giai đoạn 2

– Cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2 - 3 lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.

– Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

– Đầu tư xây dựng khu dân cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) phục vụ tái định cư các hộ dân thuộc dự án Nâng cấp đô thị TP.

– Tăng cường năng lực quản lý nhà đất trên địa bàn TPHCM…

(Nguồn: Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TPHCM)


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng