Để hợp thức hóa nhà sai phép diện được tha, người dân phải nộp lại hồ sơ để quận, huyện “xóa” quyết định phạt cũ.
Khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500, nếu cho xây ba tầng mà chỉ xây hai tầng cũng có thể bị phạt. Ảnh: HTD |
Để hợp thức hóa nhà sai phép diện được tha, người dân phải nộp lại hồ sơ để quận, huyện “xóa” quyết định phạt cũ.
“Có Thông tư 24 quá đỡ. Ngay khi thông tư này có hiệu lực vào ngày 9-9 tới, quận sẽ áp dụng ngay”. Ông Nguyễn Tuấn, Chánh thanh tra xây dựng quận Tân Bình (TP.HCM), phát biểu như vậy về Thông tư 24 do Bộ Xây dựng mới ban hành hướng dẫn Nghị định 23 năm 2009 về phạt trong hoạt động xây dựng.
Hết cảnh “muốn tha nhưng sợ vượt rào”
Trước đây, Nghị định 126 năm 2004 về phạt trong xây dựng (được thay thế bởi Nghị định 23 nêu trên) quy định xây dựng sai giấy phép là bị phạt nhưng không giải thích rõ thế nào là sai phép. Do đó có nơi cho rằng giấy phép xây dựng (GPXD) cho sao phải làm y vậy, bất kỳ thay đổi nào dù là nội thất hay bên ngoài đều bị tuýt còi. Sau khi báo chí lên tiếng, Sở Xây dựng TP.HCM đã có công văn khẳng định không phạt hành vi thay đổi nội thất. Tuy nhiên, có một quận cho biết vẫn không dám áp dụng vì “vướng từ nghị định nên phải có thông tư của Bộ Xây dựng thì mới đủ cơ sở pháp lý”. Nay nội dung này đã được cụ thể hóa trong Thông tư 24.
Sai phép vẫn được hợp thức hóa
Theo hai vị lãnh đạo thanh tra xây dựng quận Tân Bình và quận Phú Nhuận, đối với những công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý trước ngày Nghị định 23 có hiệu lực (ngày 1-5-2009) nhưng chưa giải quyết dứt điểm thì nay Thông tư 24 đã có hướng xử lý. Cụ thể nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì chủ đầu tư được giữ nguyên công trình xây dựng. Khi quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt thì chủ đầu tư phải phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.
“Trường hợp này, quận Phú Nhuận từng bị vướng nên đã gửi văn bản kiến nghị. Chẳng hạn nhà xây lớn hơn giấy phép một chút nhưng vẫn phù hợp quy hoạch, vẫn nằm trong khuôn viên đất. Tuy quận ra văn bản xử phạt nhưng không khả thi, công trình cứ nằm đó, không được cấp giấy hồng do chưa thực hiện xong quyết định xử phạt. Nay những trường hợp này đã được chấp thuận, không công nhận phần sai phép nhưng cho làm giấy” - ông Nguyễn Như Hồng, Chánh thanh tra xây dựng quận Phú Nhuận, cho biết.
“Không phải có thông tư này là đương nhiên những trường hợp vi phạm đã có quyết định phạt được xóa bỏ. Người dân phải nộp hồ sơ lại và sẽ được xem xét, giải quyết từng trường hợp” - ông Nguyễn Như Hồng cho biết. “Việc này sẽ được giải quyết bằng một văn bản trả lời rằng trường hợp này đã được miễn xử phạt để người dân nộp vào hồ sơ xin cấp giấy hồng. Thời gian chắc cũng bằng việc ra một quyết định nhưng quy trình thủ tục thì đơn giản hơn nhiều” - ông Tuấn nói thêm.
Có quy hoạch 1/500: Giảm tầng cũng bị phạt
“Đọc kỹ Thông tư 24, tôi thấy rằng điều cần chú ý là cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt chú trọng bảo vệ quy hoạch 1/500. Nếu khu vực đã có quy hoạch 1/500 thì tuyệt đối làm theo. Chỉ có hành vi thay đổi nội thất bên trong thì có quy hoạch 1/500 hay chưa cũng không bị phạt” - ông Tuấn nói.
Thông tư 24 nói rõ thay đổi vị trí, thay đổi diện tích, giảm số tầng được miễn phạt với điều kiện khu vực đó chưa có quy hoạch 1/500 hoặc chưa có thiết kế đô thị. “Giả sử tại nơi đó đã quy định nhà phải xây ba tầng lầu, chủ nhà chỉ xây hai tầng là bị phạt, không phải hễ xây ít hơn GPXD thì được tha hết” - ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, điều này là hợp lý bởi nếu quy hoạch 1/500 vẫn bị vi phạm thì xem như bộ mặt đô thị sẽ bị phá nát.
Không áp dụng cho nhà xây không phép
Khoản 2 Điều 15 Thông tư 24 hướng dẫn nếu công trình xây dựng vi phạm trước ngày 1-5-2009 mà không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư (ví dụ như công viên cây xanh...) nhưng quy hoạch chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch, không bắt tháo dỡ ngay. “Thuật ngữ “công trình xây dựng vi phạm” theo chúng tôi thì phải hiểu theo nghĩa là xây dựng sai phép và cả không phép. Vậy khoản 2 Điều 15 có áp dụng cho công trình xây dựng không phép, tức công trình không phép trong khu vực không phù hợp quy hoạch được tạm thời tồn tại hay không?” - một cán bộ thanh tra xây dựng quận nọ băn khoăn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết Thông tư 24 chủ yếu áp dụng cho xây dựng sai phép. Còn chủ trương giải quyết cho nhà xây dựng không phép trước ngày 1-5-2009 thì giao cho địa phương giải quyết, xét từng trường hợp cụ thể.
Cho chánh thanh tra xây dựng quận “lố” quyền?
Trong Thông tư 24, tại Điều 10 hướng dẫn chánh thanh tra xây dựng cấp huyện được quyền áp dụng các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương đương thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện (theo khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 2008). Tuy nhiên, đối chiếu thì trong pháp lệnh trên không có khoản này.
“Trước nay, chánh thanh tra xây dựng quận chưa có quyền ký các quyết định xử phạt có biện pháp khắc phục hậu quả đi kèm mà phải chuyển chủ tịch quận ký. Thông tư 24 lại giao quyền nhưng căn cứ pháp lý lại chưa chính xác nên đề nghị Bộ Xây dựng xem lại” - đại diện Thanh tra xây dựng quận Tân Bình bày tỏ.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP