Tránh “đánh trống bỏ dùi”

Cập nhật 06/04/2021 11:06

Có thể nhận định rằng, 15 kết luận thanh tra về phí bảo trì của 22 chung cư ở Hà Nội vừa được Bộ Xây dựng công bố, đã bước đầu lấy lại niềm tin về thực thi pháp quyền trong Nhân dân, hóa giải phần nào nỗi bức xúc trong dư luận xoay quanh câu chuyện tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại các tòa nhà. Thế nhưng, việc giám sát thực thi kết luận này như thế nào lại là chuyện khác.

Có thể nhận định rằng, 15 kết luận thanh tra về phí bảo trì của 22 chung cư ở Hà Nội vừa được Bộ Xây dựng công bố, đã bước đầu lấy lại niềm tin về thực thi pháp quyền trong Nhân dân, hóa giải phần nào nỗi bức xúc trong dư luận xoay quanh câu chuyện tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại các tòa nhà. Thế nhưng, việc giám sát thực thi kết luận này như thế nào lại là chuyện khác.

Một khu chung cư trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Thanh Hải

Câu chuyện tranh chấp phí bảo trì chung cư không phải là vấn đề mới. Song nội dung này, lần đầu tiên được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng cho thấy, những mâu thuẫn nội tại tưởng chừng “biết rồi, khổ lắm nói mãi” ấy thực sự không thể xem nhẹ được nữa.

Con số 250 tỷ đồng mà Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu trả lại cho Ban quản trị nhà chung cư cùng số tiền 820 triệu đồng xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 chủ đầu tư và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung để trả lại cho cư dân… tại kết luận thanh tra 15 chủ đầu tư với 22 dự án chung cư của Bộ Xây dựng vừa qua thực sự là những con số biết nói.

Không chỉ chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của các chủ đầu tư, Ban quản trị, kết luận thanh tra còn cho thấy hậu quả của sự thờ ơ, giải quyết chưa đến nơi đến chốn của chính quyền sở tại dẫn tới bất ổn trong bộ phận cư dân địa phương.

Tuy chưa phản ánh hết bản chất được sự việc xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội, song con số trên đã khẳng định những bức xúc của cư dân là có cơ sở. Và hầu như, các dự án chung cư trên địa bàn vẫn cứ “đụng đâu sai đó”. Các hành vi như: Chủ đầu tư cố tình trì hoãn, không thực hiện hết trách nhiệm, cố tình không bàn giao quỹ bảo trì chung cư với số kinh phí 2% theo quy định; chủ đầu tư chậm bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị do thay đổi công năng các phần sở hữu chung; lấn chiếm, sử dụng không gian thuộc sở hữu chung sử dụng vào mục đích riêng của các chủ sở hữu… xảy ra ở nhiều dự án chung cư. Điều đó cho thấy, việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư nhà chung cư dường như đang có vấn đề, bằng cách này hay cách khác họ vẫn cố tình “lách luật” nhằm trục lợi.

Chưa bàn đến mức xử phạt các chủ đầu tư ở 22 dự án được thanh tra đã thỏa đáng hay chưa, song, những sai phạm được “chỉ mặt, đặt tên” tại kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng hẳn là lời cảnh tỉnh đối với các chủ đầu tư dự án chung cư. Cùng với những quy định tại Nghị định 30/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, với việc nếu chủ đầu tư không có kinh phí bảo trì (đã thu) bàn giao, sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản, hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng chây ì phí bảo trì hiện nay.

Tuy nhiên, để thể hiện tính uy nghiêm của pháp luật, việc kiểm tra, giám sát thực thi quy định của pháp luật, kết luận thanh tra cũng cần được tiến hành chặt chẽ, triệt để, không có “vùng cấm”, không có nhân nhượng thì mới chấm dứt được những tồn tại, bức xúc lâu nay trong cộng đồng cư dân trên địa bàn TP. Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, kết luận xong rồi để đó, quy định ban hành rồi không đi vào cuộc sống, tất cả lại “xôi hỏng bỏng không”, gây bất ổn xã hội.

DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT