Tranh cãi về 20% bất động sản được giao dịch qua sàn

Cập nhật 24/07/2010 13:10

Cuộc tranh cãi “có hay không” được bán 20% số lượng nhà không qua sàn đã được khép lại khi Chính phủ đã đồng ý thông qua trong Nghị định 71. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tranh cãi nảy sinh xung quanh vấn đề này.

Cuộc tranh cãi “có hay không” được bán 20% số lượng nhà không qua sàn đã được khép lại khi Chính phủ đã đồng ý thông qua trong Nghị định 71. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tranh cãi nảy sinh xung quanh vấn đề này.


Từ 8/8/2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ - CP quy định chi tiết hướng dẫn Luật Nhà ở có hiệu lực, chủ đầu tư sẽ được tạo điều kiện rõ ràng trong việc huy động vốn thực hiện dự án bằng việc cho phép huy động vốn với lượng huy động đối đa 20% tổng lượng sản phẩm nhà ở khi giải phóng xong mặt bằng, được phân chia tối đa không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án (tính trên tổng số lượng nhà ở thương mại của dự án cấp I) không phải thông qua sàn giao dịch.

Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Lý do chính để đưa ra quy định cho phép chủ đầu tư bán 20% hàng hóa là các căn hộ trong dự án không qua sàn là để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bởi để một dự án thành công cần lượng vốn lớn do vậy các chủ đầu tư có thể huy động vốn được sớm hơn để hoàn thành dự án kịp tiến độ giúp đẩy nhanh nguồn cung ra thị trường.

Ngoài ra, để kiểm soát được 20% này Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư phải thông báo cho các Sở xây dựng để Sở xác nhận và Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở phải đưa thông tin lên các trang web để quản lý. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng bán chui ra thị trường.

Doanh nghiệp ủng hộ…


Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng: “Nghị định 71 quy định, chủ đầu tư có quyền huy động 20% tổng mức đầu tư trên nguyên tắc ngoài huy động về tài chính hoặc trả bằng cổ phiếu thì được phép trả bằng sản phẩm nhưng không vượt quá 20% tổng số lượng nhà kinh doanh và được bán 20% không qua sàn. Đây là điểm có lợi cho chủ đầu tư theo hai góc độ: thứ nhất chủ đầu tư có thể kiểm chứng được năng lực tiêu thụ của thị trường về các phân khúc mà chủ đầu tư đang định đầu tư để lựa chọn bài toán kinh doanh. Điều này giúp cho các nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro cho mình bởi đã có các đối tác chia sẻ.

Thứ hai, những người hợp tác kinh doanh với chủ đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi nhờ trạng thái kích cầu bởi họ cũng sẽ là người tham gia chào bán dự án thậm chí trực tiếp marketing đầu ra cho sản phẩm của họ. Đồng nghĩa với việc, 80% sản phẩm còn lại cũng xác lập được thị trường. Động thái này sẽ góp phần hạ nhiệt thị trường”.

Đồng quan điểm, Bà Lê Thị Anh Ngọc - Phó giám đốc sàn giao dịch bất động sản Nam Cường chia sẻ: Chủ đầu tư có quyền được ký hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng văn bản đầu tư với các tổ chức và cá nhân, lợi nhuận được phân chia sẽ do hai bên lựa chọn bằng tiền, cổ phiếu hoặc sản phẩm là nhà ở. Đương nhiên, trong giao dịch này không được quá 20% số lượng nhà ở cho mỗi dự án và điều này còn nhanh chóng hơn khi 20 % số lượng nhà ở này không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản mà chỉ phải thông báo với Sở xây dựng nơi triển khai dự án. Khi đã được pháp luật hỗ trợ như vậy theo tôi công tác huy động vốn sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Và chủ đầu tư không có lý do gì để tăng giá bất động sản lên.

…nhưng còn nhiều băn khoăn

Quy định này thực sự thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư và các sàn giao dịch BĐS. Trả lời báo chí ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc công ty Bất động sản Hồng Phúc cho hay, việc cho bán 20% số lượng nhà là cách cơ quan quản lý xem xét thực trạng từ trước tới nay, khi chủ đầu tư phải tìm cách bán ra ngoài một số lượng nhà để huy động vốn. Trên thực tế, người nào góp vốn vào các dự án BĐS cũng để nhận sản phẩm, bởi chính sản phẩm BĐS mới là thứ sinh lời rõ ràng nhất chứ không phải là trái phiếu hay cổ phiếu BĐS.

“Doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, nhà đầu tư mong muốn được góp vốn thì tại sao các cơ quan quản lý lại khống chế ở con số 20%. Theo tôi vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là công tác quản lý của các cấp các ngành mà thôi” - một chủ đầu tư cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia