Tranh cãi diện tích tối thiểu đăng ký thường trú

Cập nhật 08/09/2020 10:15

Dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) quy định người có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, đảm bảo tối thiểu 8 m2 sàn mỗi người mới được đăng ký thường trú đang gây nhiều tranh cãi.Dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) quy định người có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, đảm bảo tối thiểu 8 m2 sàn mỗi người mới được đăng ký thường trú đang gây nhiều tranh cãi.

Dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) quy định người có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, đảm bảo tối thiểu 8 m2 sàn mỗi người mới được đăng ký thường trú đang gây nhiều tranh cãi.

Việc quy định diện tích tối thiểu để được đăng ký thường trú bị lo ngại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân - ẢNH: ĐÌNH SƠN

Để các địa phương tự quyết

Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM, Sở Xây dựng TP đề xuất cần ít nhất 20 m2 sàn nhà ở/người mới đủ điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu TP.HCM) vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ... Trong khi đó, HĐND TP.Hà Nội quy định đến hết năm 2015 tối thiểu là 15 m2 sàn/người. Tại TP.Cần Thơ, tối thiểu là 20 m2 sàn/người đối với Q.Ninh Kiều, 18 m2 sàn/người đối với Q.Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt; 15 m2 sàn/người đối với các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Tương tự TP.Đà Nẵng cũng có nhiều mốc, tối thiểu 20 m2 sàn/người đối với các phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê; tối thiểu là 15 m2 sàn/người đối với các phường, xã thuộc các quận, huyện còn lại.

Như vậy có thể thấy ở các TP trực thuộc T.Ư, diện tích nhà ở bình quân khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ lớn hơn nhiều so với diện tích tối thiểu trong dự thảo luật đưa ra.

“Diện tích nhà ở bình quân ở các địa phương hiện đã tăng lên nhiều và khác nhau và đa số đã có quy định riêng. Nếu quy định 8 m2 sàn mỗi người như dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) vẫn thấp hơn mức hiện nay nên sẽ không gây trở ngại gì cho các TP nhưng rõ ràng có sự "lệch pha" rất lớn so với thực tế”, vị này cho hay.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn, thì cho rằng nếu quy định cứng tỉnh nào cũng giống tỉnh nào thì hơi máy móc. Kiểu quy định mỗi tháng mỗi người 10 kg gạo. Định mức này có thể phù hợp với vùng cao nhưng ở TP.HCM thì không thể sống được.

“Ở Mỹ, liên bang và tiểu bang có luật khác nhau, quy định phù hợp cho mỗi nơi. Nếu quy định sàn tối thiểu ở quốc gia cũng không sai, nhưng nên để cho địa phương chủ động quyết con số này sẽ tốt hơn, tùy theo nhu cầu và sự phát triển của địa phương đó”, ông Sơn nói

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, phân tích hiện nay tại TP.HCM chỉ cho xây nhà trọ diện tích từ 10 - 12 m2 trở lên. Nếu dự thảo quy định 8 m2 trên người mới được đăng ký thường trú thì 2 vợ trồng trẻ ở trong nhà này chỉ 1 người được đăng ký. Thế nên, với quy định này người giàu không có gì để bàn, không ảnh hưởng gì, nhưng sẽ “tội” người nghèo, công nhân lao động... Họ muốn đăng ký thường trú, tạm trú cho con cái đi học, khám bệnh sẽ rất khó.

Lo ảnh hưởng người nghèo

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, đặt vấn đề: Quốc hội đang xem xét thông qua luật Cư trú sửa đổi, trong đó có việc bỏ các điều kiện riêng để đăng ký thường trú vào TP trực thuộc T.Ư (bỏ thời hạn tạm trú). Đồng thời cũng xem xét bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên việc đưa ra quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú lúc này liệu có “đá” nhau?

"Trước đây quy định 5 m2 người sẽ được đăng ký thường trú sẽ đỡ hơn nhưng nay diện tích tăng lên sẽ tác động đến người nghèo. Do vậy, đối với trường hợp công nhân ở nhà trọ, nhà thuê thì chỉ nên quy định tối thiểu 5 m2 để họ có cơ hội được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như đăng ký cho con đi học, mua bảo hiểm y tế khám chữa bệnh"…

Ông Lê Hữu Nghĩa


Cũng theo ông Cường, trong Hiến pháp quy định rõ công dân có quyền sinh sống ở bất cứ địa phương nào. Nay đưa ra các quy định ràng buộc để loại trừ quyền này liệu có ổn không? Trong khi đó, kinh nghiệm ở các đô thị lớn trên thế giới, cũng như các nước phát triển không quản lý bằng hộ khẩu mà bằng căn cước công dân, mã số công dân... để đảm bảo quyền của công dân cũng như đảm bảo những quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực tế hiện nay người không có hộ khẩu ở TP.HCM hầu như không gặp khó khăn trong việc cư trú, sinh sống nếu họ có chỗ ở hợp pháp, ổn định, không có con nhỏ. Đã đến lúc bỏ hộ khẩu, một loại “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bởi hộ khẩu, đăng ký thường trú vẫn còn gây ra nhiều phiền toái, hạn chế quyền công dân, nhất là đối với lao động nghèo nhập cư.

“Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện số hộ, nhân khẩu đăng ký thường trú tại 5 TP lớn là hơn 4,7 triệu hộ với hơn 18 triệu nhân khẩu. Trong đó, số người đăng ký tạm trú và không đăng ký thường trú, tạm trú nhưng thường xuyên sinh sống là gần 23% tổng nhân khẩu. Nếu quy định không hợp lý, chỉ tính riêng 5 TP lớn này thôi, đã có đến 23% dân số, hầu hết là những người có thời gian học tập, lao động, cống hiến lâu dài bị ảnh hưởng. Vì thế, nên bỏ thủ tục đăng ký thường trú tiến đến bỏ hộ khẩu ở nước ta vì nó vẫn còn gây ra nhiều phiền toái, hạn chế quyền công dân, nhất là đối với lao động nghèo nhập cư, công nhân nghèo. Nên quản lý công dân bằng căn cước công dân khi mà Bộ Công an đã khẳng định sẽ làm được điều này”, luật sư Cường nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên