TP.HCM xin gỡ vướng dự án Saigon Centre

Cập nhật 11/08/2020 11:04

Hai dự án Saigon Centre - IV và Saigon Centre - V do Công ty TNHH Keppel Land Watco làm chủ đầu tư nhiều năm nay vẫn không hoàn thành đúng tiến độ vì vướng mặt bằng.

Hai dự án Saigon Centre - IV và Saigon Centre - V do Công ty TNHH Keppel Land Watco làm chủ đầu tư nhiều năm nay vẫn không hoàn thành đúng tiến độ vì vướng mặt bằng.

Phối cảnh dự án dự án Saigon Centre- IV và V

Nhiều lần điều chỉnh, dự án vẫn vướng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án Saigon Centre-IV và dự án Saigon Centre-V là hai dự án thành phần thuộc dự án Saigon Centre tại số 92 - 94, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM), được Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp phép đầu tư lần đầu theo Giấy phép đầu tư số 626/GP ngày 19/6/1993 và Giấy phép điều chỉnh số 626/GPĐC1 ngày 31/3/1995.

Tổng vốn đầu tư của dự án này là hơn 270.000 USD, vốn pháp định của Công ty liên doanh là hơn 121.000 USD ở thời điểm đó. Trong đó, bên Việt Nam góp hơn 38.747 USD chiếm 32% vốn pháp định, bên nước ngoài góp hơn 82.339 USD, chiếm 68% vốn pháp định. Thời hạn hoạt động của liên doanh là 44 năm kế từ ngày 19/6/1993.

Đến ngày 27/12/1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 343/BKH-QLDA chuẩn y việc phân chia dự án tổng thể thành 5 dự án thành phần và cấp Giấy phép đầu tư số 626A/GP, 626B/GP, 626C/GP, 626D/GP, 626E/GP cho các dự án thành phần là Saigon Centre-I, Saigon Centre-II, Saigon Centre-Ill, Saigon Centre-IV, Saigon Centre-V, tương ứng với các nhà đầu tư là Công ty TNHH Keppel Land Watco-I, Công ty TNHH Keppel Land Watco-II, Công ty TNHH Keppel Land Watco-III, Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV, Công ty TNHH Keppel Land Watco-V.

Trong đó, bên Việt Nam trong liên doanh được điều chỉnh qua từng thời kỳ từ Tổng công ty Vận tải thủy II và Công ty Quản lý và Kinh doanh Nhà sang Tổng công ty Vận tải thủy II và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Sau đó là Tổng công ty cổ phần Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn.

Đến thời điểm hiện nay, bên Việt Nam là Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH Một thành viên. Tỷ lệ vốn góp của bên Việt Nam hiện nay trong liên doanh là 16% (do bên nước ngoài đã mua lại 16% vốn góp từ Tổng công ty cổ phần Đường sông Việt Nam).
Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, hiện giai đoạn 3 của dự án vẫn chưa thể triển khai

ảnh 1 Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, hiện giai đoạn 3 của dự án vẫn chưa thể triển khai Hiện tại, dự án tổng thể đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 (Saigon Centre-I) và giai đoạn 2 (Saigon Centre-II, Saigon Centre-III), riêng giai đoạn 3 vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng do nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao mặt bằng tại các khu đất có diện tích 3.376 m2 (dự án Saigon Centre IV) và 5.247 m2 (dự án Saigon Centre V). Được biết, hiện những khu đất này do các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - Vận tải quản lý sử dụng.

Kiến nghị gỡ vướng

Tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án Saigon Centre-IV và Saigon Centre V đã qua nhiều lần điều chỉnh Giấy phép đầu tư.

Đến nay, dự án Saigon Centre-IV của Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1058784368 ngày 6/3/2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp. Còn dự án Saigon Centre-V của Công ty TNHH Keppel Land Watco-V hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 6531777605 ngày 6/3/2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp.

Thời hạn hoạt động của các dự án là 50 năm kể từ ngày 19/6/1993. Hết thời hạn này, toàn bộ giá trị tài sản cố định của công ty liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam. Như vậy, dự án này chỉ còn hoạt động 23 năm nữa là sẽ chuyển giao toàn bộ tài sản của công ty liên doanh cho Nhà nước quản lý nếu như không được gia hạn thêm thời gian hoạt động.

Ông Phong cho rằng, việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án sẽ dẫn tới thay đổi điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (thời gian chuyến giao theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu là đến năm 2043, nay sẽ kéo dài dự kiến đến năm 2070), thay đổi các điều kiện về giao thuê đất nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, UBND Thành phố đã có văn bản ngày 21/6/2019 báo cáo Thủ tướng việc gia hạn thời hạn hoạt động của các dự án Saigon Centre -IV, V như nêu trên.

Lấy dẫn chứng từ Điều 43, Luật Đầu tư, ông Phong khẳng định, đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Vì vậy, việc gia hạn thời gian là phù hợp với quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo Luật Đầu tư.

“Thực tế đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án, trong khi đây là các dự án có điều khoản chuyển giao không bồi hoàn, khi kết thúc thời hạn dự án, nhà đầu tư phải chuyến giao tài sản cho Nhà nước.

Do đó, việc chưa bàn giao mặt bằng trong suốt thời gian từ năm 1993 đến nay đã ảnh hưởng đến thời gian khai thác dự án của nhà đầu tư nhưng lỗi chậm bàn giao mặt bằng không phải là lỗi của nhà đầu tư”, ông Phong nói và kiến nghị, Thủ tướng sớm xem xét và có ý kiến chấp thuận về việc gia hạn thời hạn hoạt động của các dự án phù hợp theo quy định hiện hành.

Liên quan đến những vướng mắc hiện nay tại dự án, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng đã liên hệ với phía chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đơn vị này xin từ chối phản hồi.

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS