TP.HCM tháo gỡ, đẩy nhanh cấp 'sổ hồng' nhà chung cư

Cập nhật 22/07/2022 15:10

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có khoảng 16.000 căn nhà trong dự án phát triển nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến đến ngày 31-12 cấp giấy thêm 5.757 căn đã nộp hồ sơ; đến 2-2023, TP phấn đấu cấp hết 15.664 căn nhà đủ điều kiện cấp giấy.

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có khoảng 16.000 căn nhà trong dự án phát triển nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến đến ngày 31-12 cấp giấy thêm 5.757 căn đã nộp hồ sơ; đến 2-2023, TP phấn đấu cấp hết 15.664 căn nhà đủ điều kiện cấp giấy.

Các hộ dân phản ánh đã mua nhà tại dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sổ hồng - Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 21-7, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thông tin về các vướng mắc đối với việc cấp giấy chứng nhận nhà ở, ông Lê Thành Phương - phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM - nhìn nhận thực tế, số lượng nhà trong dự án phát triển nhà ở chưa được cấp giấy chứng nhận vẫn còn rất nhiều, mặc dù người mua nhà đã nhận bàn giao và đã vào ở ổn định. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, lợi ích của người dân, cũng như uy tín của chủ đầu tư dự án.

Đến nay, Sở Tài nguyên và môi trường đang cấp giấy chứng nhận cho 390 dự án. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 16.000 căn nhà trong dự án phát triển nhà ở đã được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến đến 31-12, sẽ cấp giấy thêm 5.757 căn đã nộp hồ sơ.

Đến tháng 2-2023, TP phấn đấu cấp hết 15.664 căn nhà đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Đến tháng 3-2023, TP sẽ tiếp tục cấp giấy chứng nhận đối với các dự án có vướng mắc đã được tháo gỡ và các dự án có văn bản thẩm định mới.

Cũng theo ông Phương, hiện nay còn nhiều dự án vướng mắc chưa thể cấp giấy chứng nhận. Nguyên nhân là chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất, căn hộ hình thành trong tương lai. Theo quy định, khi thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người mua thì chủ đầu tư phải thực hiện giải chấp và giao bản chính cho cơ quan chức năng để điều chỉnh hình thức đất sang sử dụng chung nhưng các chủ đầu tư lại không thực hiện. Điển hình là dự án số 53 Nguyễn Sơn, quận Tân Phú.

Ngoài ra còn có vướng mắc liên quan đến vi phạm xây dựng. Cụ thể dự án vi phạm xây dựng phải khắc phục những vi phạm thì Sở Tài nguyên và môi trường xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà...

Ông Phương cho biết thêm hiện Sở Tài nguyên và môi trường đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác rà soát hồ sơ pháp lý, xác định nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở để cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.

Đồng thời, tiếp tục kiến nghị TP có các chính sách tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở.

Giảm tắc nghẽn thủ tục hành chính đất đai tại TP Thủ Đức

Về phản ánh của người dân TP Thủ Đức với việc thủ tục hành chính nhà đất kéo dài khi sáp nhập, ông Lê Thành Phương cho biết ngay khi thành lập TP Thủ Đức, Sở Tài nguyên và môi trường TP đã chủ động triển khai các giải pháp để ổn định việc giải quyết hồ sơ cho người dân.

Sở cũng xét tuyển 47 viên chức cho chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức. 6 tháng đầu năm, chi nhánh TP Thủ Đức đã tiếp nhận hơn 44.406 hồ sơ, đã giải quyết 39.908 hồ sơ.

Để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, năm 2022, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP đã ủy quyền cho giám đốc chi nhánh ký hồ sơ thuộc thẩm quyền của giám đốc sở; cấp 2 con dấu cho chi nhánh (dự kiến đưa vào sử dụng ngày 1-8) và ban hành các quy trình nội bộ để giải quyết vấn đề trễ hẹn.

Ngoài ra, TP cũng sẽ tập trung liên thông thuế điện tử đến cơ quan thuế, hiện đã có 8.500 hồ sơ được liên thông. Đồng thời đã phối hợp Ngân hàng Saigon Bank để mở điểm giao dịch thu phí và nghĩa vụ tài chính tại 2 điểm tiếp nhận hồ sơ. Người dân chỉ cần đi 2 lần thay vì 3 lần như trước. Bên cạnh đó là mở thêm 1 điểm tiếp nhận ngay trụ sở chi nhánh để phục vụ người dân tốt hơn.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ