TP.HCM sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm

Cập nhật 21/08/2020 09:55

Hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, không phải là giá đất tại thời điểm thu hồi.

Hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, không phải là giá đất tại thời điểm thu hồi.

Giá đất ở cao nhất 162 triệu đồng/m2


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có kết luận liên quan đến Quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi năm 2020 trên địa bàn Thành phố.

UBND TP.HCM đồng ý với ý kiến thống nhất của các sở, ngành và quận, huyện, từ đầu năm 2021 sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi.

Giao Sở TN&MT hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo quyết định trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ về cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất tại TP.HCM.

Theo nghị quyết, UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi, không phải là giá cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Từ năm 2021, TP.HCM sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm.

Trước đó, ngày 17/7 Sở TN&MT đã có tờ trình UBND Thành phố về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, lấy ý kiến người dân có đất thu hồi trong năm 2020 trên địa bàn.

Về nguyên tắc xác định đất ở, Sở TN&MT căn cứ vào vị trí 1 của bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND về ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2024 (Quyết định số 02).

Theo đó, giá đất ở tại quận 1 cao nhất là 162 triệu đồng/m2 (trọn đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ). Giá đất ở cao nhất tại quận 2 là 22 triệu đồng/m2 (đường Trần Não, đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến Lương Định Của). Đất ở tại quận 3 có giá cao nhất là 79 triệu đồng/m2 (vòng xoay Công trường Quốc tế)…

Đối với các loại đất khác, các vị trí còn lại của đất ở, vị trí đất nông nghiệp và vị trí các loại đất khác, Sở TN&MT đề xuất tính theo quy định tại bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024. Cụ thể, vị trí 2 bằng 0,5 vị trí 1; vị trí 3 bằng 0,8 vị trí 2; giá đất thương mại, dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề…

Như đất trồng cây hàng năm thuộc địa bàn các quận không tiếp giáp với lề đường có tên trên bảng giá đất trong phạm vi 400m quy định là vị trí 2. Do đất vị trí 1 có giá 250.000 đồng/m2 nên đất trồng cây lâu năm vị trí 2 sẽ được tính là 125.000 đồng/m2.

Chưa phù hợp với thị trường

Bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 – 2024 ban hành kèm Quyết định số 02 của UBND TP.HCM là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất…

Khi Sở TN&MT thực hiện dự thảo văn bản hướng dẫn để UBND TP.HCM ban hành áp dụng, Sở Tư pháp đã chỉ ra nhiều điểm chưa có cơ sở pháp lý.

Đó là: Cách xác định đơn giá đất của một số trường hợp đất hẻm tại văn bản hướng dẫn chưa có quy định trong bảng giá đất; thửa đất có vị trí tiếp giáp với nhiều mặt tiền đường thì đơn giá đất được xác định theo đường có giá đất cao nhất; một số nội dung của hướng dẫn chưa có quy phạm pháp luật...

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT trong tháng 9/2020 phải hoàn chỉnh các nội dung, trình tham mưu để Thành phố sửa đổi, bổ sung quyết định bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024.

Theo bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024, giá đất tại TP.HCM vẫn giữ nguyên so với giai đoạn 2016 – 2019. Để phù hợp với thực tế, ngoài loại bỏ hơn 260 tuyến đường, bảng giá đất mới có bổ sung thêm gần 400 tuyến đường, đoạn đường tại các quận, huyện.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30% - 50%. Với các tuyến đường ở trung tâm thành phố, giá đất từng giao dịch thành công cao rất nhiều, không dừng lại ở mức 1 tỷ đồng/m2. Nhưng đây là giá giao dịch giữa người dân với doanh nghiệp, không phổ biến và không đại diện cho giao dịch của thị trường BĐS.

Chủ tịch HoREA lấy ví dụ, năm 2014, khi thành phố đấu giá 3.000m2 đất trên đường Lê Duẩn, quận 1. Giá khởi điểm là 180 triệu đồng/m2 và qua 16 vòng đấu giá thì có đơn vị trả hơn 400 triệu đồng/m2. Đây mới là giá đất đại diện do giao dịch thị trường.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet