TP.HCM kiến nghị bãi bỏ việc ban hành khung giá đất 5 năm một lần

Cập nhật 29/09/2020 10:06

Lý do TPHCM đưa ra kiến nghị này là khung giá đất hiện nay thấp hơn giá thị trường nhưng lại là cơ sở để thực hiện xây dựng bảng giá đất. Điều này dẫn đến bảng giá đất cũng chưa tiệm cận với giá thị trường.

Lý do TPHCM đưa ra kiến nghị này là khung giá đất hiện nay thấp hơn giá thị trường nhưng lại là cơ sở để thực hiện xây dựng bảng giá đất. Điều này dẫn đến bảng giá đất cũng chưa tiệm cận với giá thị trường.

TPHCM cho rằng, hiện nay việc thu thập thông tin và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thực tế của bất động sản trên thị trường gặp nhiều khó khăn.

Ngày 28/9, UBND TP HCM cho biết, đã có đề xuất các Bộ báo cáo Thủ tướng việc bãi bỏ quy định khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành 5 năm một lần. Lý do TPHCM đưa ra là khung giá đất hiện nay thấp hơn giá thị trường nhưng lại là cơ sở để thực hiện xây dựng bảng giá đất. Điều này dẫn đến bảng giá đất cũng chưa tiệm cận với giá thị trường.

Theo UBND TPHCM, hiện nay các giao dịch chuyển nhượng nhà đất diễn ra theo xu hướng bên mua và bên bán thống nhất thể hiện giá trị chuyển nhượng tại các hợp đồng giao dịch thấp hơn hoặc bằng quy định tại bảng giá đất, không thể hiện đúng giá thị trường. Mục đích nhằm giảm số tiền phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

TPHCM xác nhận hiện nay việc thu thập thông tin và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thực tế của bất động sản trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là việc giao dịch bất động sản theo luật định tại Việt Nam chưa đạt được mức độ minh bạch như các nước phát triển.

Hiện tại, cũng chưa có những quy định cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản, nên giá giao dịch thực chưa thể hiện đầy đủ tại các hợp đồng giao dịch. Thêm vào đó, việc sử dụng hợp đồng chuyển nhượng làm cơ sở để xác định, thẩm định giá đất có thể chưa phản ánh được thực tế giá chuyển nhượng trên thị trường, thường thấp hơn hoặc cao hơn tùy vào mục đích của các bên giao dịch.

Vì thực trạng này, UBND TPHCM kiến nghị các Bộ Tài chính, Tài nguyên Môi trường bổ sung quy định về việc thu thập thông tin chào mua, chào bán trên thị trường để đề xuất mức giá phù hợp. Trên cơ sở đó so sánh, đánh giá các yếu tố khác biệt giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh làm cơ sở xác định, thẩm định giá đất. Trường hợp chưa thể bổ sung ngay vào các văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban kiến nghị các Bộ chấp thuận cho TPHCM được thực hiện thí điểm.

Ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cho biết, trong 5 năm qua, TPHCM chỉ thu được thu 3-5% tiền sử dụng đất tại các dự án. Hiện còn hơn 100 hồ sơ của doanh nghiệp chưa được giải quyết.

Ông Thạch nhận định, quy trình tính giá sử dụng đất chủ yếu vướng về mặt kỹ thuật, pháp lý. Đơn cử, một dự án thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục một cách bài bản thì việc cấp giấy không vướng. Tuy nhiên, đối với các dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, trong quá trình triển khai có rất nhiều luật, quy định thay đổi, điều chỉnh nên vướng nhiều pháp lý. Khó khăn đôi khi từ cấp Trung ương nên cơ quan địa phương khi vận dụng Luật để làm cũng khó.

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong