TPHCM: Khuyến khích thay đổi mô hình nhà ở

Cập nhật 27/09/2010 11:40

Trên cơ sở quy hoạch chung TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2010, TPHCM đang tiến hành nghiên cứu thay đổi mô hình nhà ở cho phù hợp với một đô thị hiện đại.

Trên cơ sở quy hoạch chung TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2010, TPHCM đang tiến hành nghiên cứu thay đổi mô hình nhà ở cho phù hợp với một đô thị hiện đại.


Các chung cư cao tầng giúp tiết kiệm diện tích xây dựng nhà ở. Ảnh: Cao thăng

Chuyển sang nhà cao tầng

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong báo cáo kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020, tầm nhìn đến 2025.

Theo báo cáo này, trung tâm thành phố cũ bao gồm quận 1, quận 3, quận 4 và một phần quận Bình Thạnh sẽ chuyển mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà cao tầng hiện đại, giảm dân số, giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, để dành đất cho các không gian công cộng như cây xanh, đường giao thông…. Các địa điểm được ưu tiên tiến hành chỉnh trang đô thị, xây dựng mới là các khu phố 4, 5, 6 và 28B Mã Lộ, phường Tân Định; khu Dạ Lữ Viện, phường Cầu Kho; khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh của quận 1; khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, khu cư xá Lý Thái Tổ, quận 3. Các khu nhà ở này sẽ được chuyển đổi thành các khu chung cư cao tầng hiện đại kết hợp chức năng thương mại dịch vụ và chức năng ở.

Các quận nội thành (cũ) khác như 5, 6, 8, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú… sẽ tiến hành đồng thời việc xây nhà mới với chỉnh trang đô thị ở các khu dân cư hiện hữu. Ở đây cũng ưu tiên, khuyến khích chuyển đổi mô hình ở từ nhà phố sang chung cư cao tầng hiện đại. Đặc biệt, các chung cư cũ: Nguyễn Kim, Ngô Gia Tự… quận 10 và cụm chung cư A, E, F, G, H trên đường Lý Thường Kiệt sẽ được xây mới theo hướng hiện đại, kết hợp chức năng ở với chức năng thương mại dịch vụ. Trong đó, việc phát triển dân số ở các quận 6, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú sẽ được kiểm soát theo quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Các quận 5, 10, 11, Phú Nhuận, hạn chế gia tăng dân số.

Riêng đối với bán đảo Thanh Đa, sẽ được đầu tư xây dựng thành khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng hiện đại với cảnh quan mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ cho người dân thành phố và du khách.

Các quận mới và quận ven 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, ưu tiên đầu tư các khu đô thị lớn với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Hạn chế phát triển các dự án có quy mô nhỏ và không phát triển các dự án phân lô hộ lẻ. Cụ thể, tại quận 9 và Thủ Đức sẽ tập trung phát triển khu đô thị khoa học công nghệ rộng 5.000 ha, dự án nhà ở Đông Thăng Long 160 ha, Tây Thăng Long 150 ha…trong đó chú trọng phát triển các khu ký túc xá cho sinh viên phục vụ cụm trường đại học trong địa bàn. Tại quận 2, hình thành đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu vực ngoại thành gồm 5 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ tập trung phát triển các thị trấn, khu dân cư nông thôn và các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, không phát triển nhà ở tràn lan mà sẽ giữ lại quỹ đất dự trữ. Riêng khu vực Cần Giờ, phát triển nhà ở thấp tầng và các khu nghỉ dưỡng.

Ưu tiên công trình thân thiện môi trường

Đây là cũng một trong những nội dung quan trọng trong báo cáo kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2006-2010 và kế hoạch trong giai đoạn từ 2011-2015, định hướng đến 2010, tầm nhìn đến 2025. Công trình nhà ở thân thiện với môi trường là những tòa nhà ở thông minh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, trồng cây xanh, sử dụng vật liệu xây dựng được làm từ nguyên liệu và giải pháp thân thiện với môi trường…

Bên cạnh đó, các loại nhà ở với những diện tích khác nhau, mức độ tiện nghi khác nhau cũng sẽ được tập trung đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu mua hoặc cho thuê đa dạng của nhiều tầng lớp người dân. Các nhà đầu tư được khuyến khích, hỗ trợ tham gia phát triển quỹ nhà giá rẻ theo quy định của pháp luật và theo hình thức bán trả dần, cho thuê - mua và cho thuê.

Phát triển nhà ở nông thôn cũng gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho nông thôn phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển này phải phù hợp với điều kiện sản xuất, đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt, sử dụng đất hiệu quả. Dù là vùng nông thôn nhưng cũng khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án với những khu vực đã được quy hoạch làm chức năng ở.

Một cán bộ của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, dự báo đến năm 2025, TPHCM sẽ có khoảng 10 triệu dân và ổn định ở mức này cho đến năm 2030. Và với mức dân số như vậy nên ưu tiên phát triển nhà cao tầng là một quyết định đúng đắn bởi có vậy mới tiết kiệm được đất và dành đất cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, cán bộ này cũng nói, bên cạnh giải pháp trên, TPHCM nên khuyến khích người dân giãn dần ra các đô thị vệ tinh bằng các giải pháp kinh tế nhằm giảm áp lực cho trung tâm hiện hữu. Đó cũng là một hướng phát triển bền vững cho TPHCM.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng