TP.HCM: Đối mặt với vấn đề “siêu đô thị”

Cập nhật 06/07/2010 11:40

Hôm nay (ngày 6/7/2010), Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM (HĐND TP.HCM) lần thứ 18 (Khóa VII) bước vào ngày làm việc quan trọng nhất với phần chất vấn của đại biểu dành cho các Sở - Ngành trước những vấn đề vẫn còn tồn đọng của TP qua 6 tháng đầu năm.


Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố, một công trình trọng điểm vẫn còn dở dang sau gần 7 năm triển khai
Hôm nay (ngày 6/7/2010), Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM (HĐND TP.HCM) lần thứ 18 (Khóa VII) bước vào ngày làm việc quan trọng nhất với phần chất vấn của đại biểu dành cho các Sở - Ngành trước những vấn đề vẫn còn tồn đọng của TP qua 6 tháng đầu năm.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, quản lý sự phát triển của khu vực công nghiệp, giải bài toán lao động tay nghề…Đó là những khúc mắc tác động đến khả năng cạnh tranh của TP.HCM trong tương lai.

Tại phiên thảo luận tổ trước đó, nhiều đại biểu thắc mắc, lĩnh vực công nghiệp của TP tiếp tục tăng trưởng nhưng TP vẫn chưa chỉ rõ được hai chỉ số quan trọng, đó là: tỉ lệ lao động đã qua đào tạo và tỉ lệ chất thải được xử lý tại các khu dân cư và khu công nghiệp.

Theo đó, dù trong báo cáo của Thường trực UBND TP có nêu, hiện 13/13 Khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP đã vận hành các khu xử lý rác thải tập trung nhưng lại không đế cập đến việc kiểm soát lượng chất thải từ các nhà máy riêng lẻ, liệu đã đấu nối và tuân thủ quy định xả thải chung của các Khu?

Một chỉ số khác cũng khiến nhiều đại biểu lo ngại là tỉ lệ lao động đã qua đào tạo. Theo đó, cùng kỳ năm 2009, con số TP đạt được là 55% (chỉ tiêu là 58%), liệu trong 6 tháng qua, TP có đáp ứng kịp với sự phát triển công nghiệp, đặc biệt là những ngành đòi hỏi cao về trình độ lao động? Đại biểu Thái Tuấn Chí (quận 12), đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Dệt May Thái Tuấn cho hay, không chỉ thiếu lao động có tay nghề cao mà TP hiện vẫn chưa có đề án rõ ràng về việc đào tạo.

Theo ông Thái Tuấn Chí, nhu cầu của doanh nghiệp hiện không nhỏ nhưng thực tế không thể đáp ứng. Điển hình, trong số 200 hồ sơ dự tuyển thì chỉ gần 50 hồ sơ được chọn, sau đó, doanh nghiệp phải đào tạo lại để phù hợp với nhu cầu. Chính điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của TP trong thu hút đầu tư, đặc biệt ở khu vực FDI.

Ngoài những vấn đề trên, trọng tâm cho phiên chất vấn hôm nay sẽ khó tránh khỏi những thắc mắc chung quanh tiến độ các công trình trọng điểm và câu chuyện quy hoạch của TP.

Theo báo cáo của Thường trực UBND, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ giải ngân vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM chỉ đạt 33,4%, thấp hơn con số 46,5% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân của vấn đề này được xác định là do những vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, theo đa số đại biểu, lý do trên không thật sự thuyết phục và quá…cũ. Bởi trên thực tế, một số công trình đã có mặt bằng, được bố trí vốn nhưng sau 5 năm vẫn “án binh bất động”. Hoặc, cơ chế đã được ban hành nhưng trong quá trình thực thi lại chưa quyết liệt. Chẳng hạn, công trình Liên tỉnh lộ 25B (nối Xa lộ Hà Nội vào Cảng Cát Lái, Quận 2), hiện chủ đầu tư vẫn trong tình trạng “vốn chờ mặt bằng”. Dù UBND TP đã thống nhất phương án đền bù nhưng địa phương vẫn…chờ Sở Quy hoạch Kiến trúc duyệt quy hoạch mới tại các khu tái định cư.

Đó là chưa kể đến vấn đề quy hoạch của TP hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo đại biểu Nguyễn Tiến Dũng (quận Bình Tân), TP chủ trương phát triển vận tải công cộng nhưng hiện vẫn chưa quy hoạch quỹ đất để làm bến bãi. Hay về vấn đề quy hoạch đô thị, TP chưa thể gắn kết quy hoạch chung với quy hoạch chống ngập hay việc siết lại vấn đề cốt nền trong quy hoạch các công trình dân dụng…Đây là những vấn đề cần những câu trả lời thấu đáo từ các Sở Ban Ngành của TP, đặc biệt là Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư