TP.HCM: Đi tìm dấu ấn quy hoạch

Cập nhật 28/04/2009 13:55

Một tòa nhà sắp xây giữa trung tâm thành phố, người thì cho rằng xây 99 tầng vẫn đẹp, người lại bảo xây 54 tầng là cao quá, phá vỡ hết bố cục... Đến bao giờ thì người dân TP.HCM có thể nghe được...

Một tòa nhà sắp xây giữa trung tâm thành phố, người thì cho rằng xây 99 tầng vẫn đẹp, người lại bảo xây 54 tầng là cao quá, phá vỡ hết bố cục... Đến bao giờ thì người dân TP.HCM có thể nghe được “bản giao hưởng số 9 của Beethoven” hay xem vở ba lê “Hồ Thiên Nga”? Có muốn cũng không được vì sau hơn 30 năm làm quy hoạch, chúng ta vẫn chưa có được một nhà hát đúng nghĩa.

Quy hoạch... vụn

Theo đánh giá của các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch chung các thành phố (TP) lớn ở nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng đã gặp phải một số nhược điểm rất lớn. Rõ nhất là quy hoạch vẫn mang nặng “tinh thần tư duy bao cấp”. Đối tượng đầu tư chính vẫn là Nhà nước chứ hoàn toàn không chú ý đến sự bùng phát của các khu quy hoạch tư nhân.

Khi cơ chế thị trường mở cửa, sự phát triển ồ ạt của hàng loạt các dãy phố, các khu đô thị mới (KĐTM) mọc lên khắp nơi, trong khi bộ phận quy hoạch của nhà nước không thể kiểm soát nổi. Vai trò quy hoạch TP không theo kịp sự bùng phát các khu đô thị đã dẫn đến tình trạng những KĐT chắp vá, manh mún thiếu tính hệ thống đi kèm như điện, giao thông, nước các cơ sở trường học, y tế, chợ… Đặc biệt là không quy hoạch cốt nền hoàn chỉnh dẫn đến thảm hoạ ngập lụt toàn TP trong nhiều năm qua chưa giải quyết nổi. Hậu quả ai cũng thấy rõ ở các quận như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình các KĐT xây dựng trở nên hỗn loạn.

Một trong những hạn chế về tầm nhìn thể hiện rõ ràng là trong quy hoạch tổng thể năm 1993 không có khu Nam Sài Gòn mà chỉ chú trọng đến những khu vực khác. Nhưng may mắn là KĐT này làm rất tốt, nếu không thì thế hệ con cháu mai sau sẽ lãnh hậu quả.

Chính sách phát triển kinh tế không rõ ràng dẫn đến quy hoạch lệch lạc và không theo kịp yêu cầu: TP phát triển kinh tế theo hướng nào và phát triển cái gì là chủ yếu, thì không nhìn thấy được. KTS Lưu Trọng Hải - một người tâm huyết với kiến trúc của TP.HCM - cho rằng, lẽ ra TP chỉ tập trung vào khu công nghệ cao và dịch vụ thương mại, thu hút đội ngũ trí thức, lao động bậc cao thì chúng ta lại cho các nhà đầu tư vào phát triển một cách ồ ạt các khu công nghiệp, thu hút lao động phổ thông với đủ các loại hình sản xuất như giày da, may mặc, gia công chế biến... Dẫn đến sự có mặt của 15 khu công nghiệp trên địa bàn TP và kéo theo gần 1 triệu công nhân về đây sinh sống.

Hậu quả vấn đề nhà ở là điều mà TP không lượng định trước. Điều nghịch lý ở chỗ TP sẵn sàng ưu đãi về giá đất cho thuê rẻ mạt cho các DN làm nhà máy sản xuất nhưng không ràng buộc về việc bố trí khu định cư cho công nhân. Các DN thì cũng chẳng dại gì bỏ ra số tiền lớn để xây nhà cho công nhân mà không thu lại được đồng nào. Chính sách khập khễnh này đã dẫn đến hậu quả là ở đâu có khu công nghiệp hình thành thì ở đó xuất hiện các khu dân cư tự phát, khu nhà ổ chuột, quán xá, chợ búa... và tệ nạn xã hội phát sinh.



Và kiến trúc ngày nay.


Những giá trị xưa và nay

Một thực tế không ai có thể phủ nhận là vấn đề quy hoạch của nước ta hiện rất yếu. Chẳng hạn như quy hoạch hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu chế xuất... đua nhau mở. Một kiểu quy hoạch tùy tiện, không bền vững và hết sức lãng phí. Cho đến quy hoạch một con đường, một khu dân cư... cũng đều mang tính “vá víu”. Đơn cử như việc mở rộng con đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khi quá trình mở rộng theo quy hoạch chưa xong thì ai cũng thấy việc mở rộng này chỉ mang tính tạm thời, thậm chí còn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông và mỹ quan ở giai đoạn hiện tại. Vậy nhưng sự “tạm thời” này cũng đã ngốn hết 800 tỷ đồng! Trong khi đó, yêu cầu của công tác quy hoạch là đáp ứng yêu cầu xã hội trong tầm nhìn hàng trăm năm.

Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP là những công trình minh chứng cho một tầm nhìn quy hoạch thực sự. Những công trình này được người Pháp xây dựng để phục vụ cho một Sài Gòn chỉ khoảng 400 nghìn dân. Thế nhưng sau bao nhiêu năm quy hoạch, đến nay vẫn chưa có một công trình phúc lợi nào thực sự có giá trị để tạo dấu ấn... tự hào và có thể so sánh với những công trình này, mặc dù dân số tại TP này đã từ 400 ngàn dân lên trên 6 triệu dân.

Cách đây không lâu, chúng ta đã từng tự hào về công trình khu dân cư Bàu Cát, như một điểm son về công tác quy hoạch của TP, nhưng cũng chỉ sau vài năm, công trình này đã lập tức bộc lộ những hạn chế trong tầm nhìn về quy hoạch. Hiện tại, khu dân cư này chỉ được biết là khu dân cư không có cây xanh, hệ thống thoát nước... không dùng được, nhà cửa chật hẹp, màu sắc không hợp lý. Ngay cả những khu tái định cư mới xây dựng như Miếu Nổi, Rạch Miễu... cũng chỉ là những khối bê tông kém chất lượng, đang xuống cấp. Hoặc như khu biệt thự cao cấp Thảo Điền, một địa thế “trên cả tuyệt vời” bên bờ sông Sài Gòn hiện cũng đã được băm nát bởi những kiểu quy hoạch tùy tiện, không giống ai. Ngay thời điểm hiện tại, khu biệt thự cao cấp này vẫn đang “loang lổ” bởi những căn biệt thự “mỗi người một vẻ” hết sức lộn xộn về kiểu dáng. Tình trạng thi công không đồng bộ càng làm cho khu nhà lẽ ra hết sức đẹp và sang trọng này trở nên luộm thuộm. Hệ thống giao thông nội bộ là những con đường quá nhỏ, chất lượng kém và đang hỏng.

Nhà quy hoạch đã tận dụng tối đa đất để phân được nhiều lô hơn và gần như bỏ qua sự hài hòa cần thiết giữa diện tích xây dựng và hệ thống đường sá. Hệ thống giao thông này trở nên quá nhỏ so với những căn hộ và quá nhỏ so với nhu cầu giao thông thực tế. Chỉ cần một chiếc xe bơm bê tông trưng dụng con đường thì toàn khu phố đã trở nên hết sức vất vả khi đi lại, vì rằng, chủ các căn hộ này hầu hết đi bằng ôtô. Và toàn bộ khu biệt thự cao cấp này chỉ toàn những khối bê tông khô khốc vắng bóng cây xanh, hoàn toàn không có những dải phân cách xanh tối thiểu của một KĐT hiện đại.

Trong khi đó, không cần phải “đao to búa lớn”, Cty LD Phú Mỹ Hưng đã xin đầu tư vào một vùng đất nằm ngoài quy hoạch phát triển của TP trong thời kỳ đó. Và Phú Mỹ Hưng đã chứng minh được một tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch bằng một KĐT hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Thời điểm 1994, khi nhà đầu tư xây dựng các cao ốc, khách sạn, văn phòng... chúng ta lúng túng vì không biết quy hoạch không gian như thế nào. Sài Gòn cũng đã có nhiều bài học đắt giá cho việc xây dựng nhà cao tầng thiếu kiểm soát. Khách sạn Caravelle là một ví dụ, chiều cao của khách sạn này đã “nuốt chửng” Nhà hát TP. Công trình này trước khi xây dựng cũng đã bị phản bác mạnh mẽ nhưng không hiểu sao nó vẫn mọc lên. Tuy nhiên có nhiều công trình nhà cao tầng bên cạnh những công trình cổ được thiết kế bố cục rất đẹp. Đó là toà nhà Metro Politan góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi, nằm sát bên Nhà thờ Đức Bà trông rất hài hoà hay một số toà nhà đường Tôn Đức Thắng nhìn thẳng ra bờ sông.

Theo KTS Lưu Trọng Hải, phát triển đô thị là một chuỗi giá trị giữa cái cũ và cái mới. Nhà quy hoạch phải biết làm thế nào để phát triển hài hoà song song giữa Sài Gòn mới và Sài Gòn xưa. TP.HCM không thể giữ mãi trong cái vỏ bọc cổ kính này mà phải phát triển, phải xây dựng để trở thành một đầu tàu kinh tế. Vấn đề chính là nhà quy hoạch phải kiểm soát thế nào để không phát triển đô thị một cách ồ ạt. Xác định được công trình nào, khu vực nào phải bảo tồn và khu vực nào cho phép xây dựng. Chẳng hạn như khu Mả Lạng (Q.1) thì nên phá bỏ vì quá nhếch nhác, cần phải được chỉnh trang. Nhưng đối với những khu phố hai bên đường Lê Thánh Tôn, gần khu chợ Bến Thành thì tuyệt đối phải giữ lại vì nó là một phần hồn của Sài Gòn.

Quy hoạch là đi từ tổng thể đến từng mảng, thế nhưng TP.HCM đang làm theo chiều ngược lại, đi từ chi tiết đến tổng thể. Bắt đầu như vậy thì chỉ còn giải pháp tình thế chứ không thể căn cơ...


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng