Tổng kết thi hành Luật Đất đai trước 31/12/2010

Cập nhật 27/07/2010 15:15

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua đã phát sinh một số nội dung cần phải điều chỉnh như...

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương báo cáo kết quả thi hành Luật Đất đai sau 6 năm thực hiện.


Sau 6 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, từ nay đến trước 31/12/2010, các đơn vị trên phải gửi báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước 31/3/2011.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua đã phát sinh một số nội dung cần phải điều chỉnh như: chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ, tái định cư.

Đặc biệt, trong quá trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế... đã phát sinh một số bất cập trong công tác đền bù cho người dân cần phải sửa đổi.

Theo chỉ thị của Thủ tướng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiến hành tổng kết và đánh giá kết quả của việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo 3 nội dung:

Thứ nhất, tổng kết tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản ban hành thuộc thẩm quyền.

Thứ hai, đánh giá kết quả về tổ chức thực hiện các công việc tại địa phương như lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai; tài chính về đất đai và giá đất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai...

Thứ ba, đánh giá về công tác tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, cơ sở vật chất của hệ thống cơ quan quản lý đất đai tại địa phương.

Từ việc tổng kết trên, các địa phương sẽ kiến nghị những nội dung cụ thể cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, bao gồm những nội dung chủ yếu về thời hạn, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp; chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong việc tổng hợp các nội dung tổng kết của các bộ, ngành và địa phương; tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc.

Các bộ, ngành khác sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thi hành Luật Đất đai năm 2003 theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, để công tác tổng kết, đánh giá đạt hiệu quả cao, Thủ tướng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Trưởng Ban do một Phó thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó trưởng ban thường trực.

Luật Đất đai được Quốc hội thông qua lần đầu tiên vào năm 1993. Sau đó được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 1998 và 2001. Đến tháng 11/2003, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Đất đai 2003 (có hiệu lực từ 1/7/2004) để thay thế cho Luật Đất đai 1993.

Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, các đại biểu đã thống nhất dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội đưa ra xem xét, cho ý kiến vào năm 2012, thay vì năm 2011 như dự kiến.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy