Tổng Hội Xây dựng chỉ rõ vì sao "cấm xây nhà kiến trúc Pháp" là vô lý

Cập nhật 14/06/2013 14:47

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Việc Bộ Xây dựng cấm xây nhà nhái kiến trúc cổ điển Pháp là vô lý.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Việc Bộ Xây dựng cấm xây nhà nhái kiến trúc cổ điển Pháp là vô lý.

>> “Cấm xây nhà kiểu Pháp” là... sai sót in ấn

>> Cấm xây nhà nhại kiến trúc cổ điển Pháp

Mặc dù Bộ Xây dựng đã khẩn cấp đính chính và bỏ phần nội dung “Lưu ý: Không xây dựng các công trình theo hướng nhại kiểu kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu” trong Nghị định 38/CP về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, nhưng ở một góc nhìn khác, nếu thành hiện thực, điều cấm này cũng hoàn toàn vô lý.

“Nước này ảnh hưởng kiến trúc của nước kia là bình thường”

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nếu Bộ Xây dựng “gợi ý” các địa phương nên cân nhắc việc xây nhà nhái kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu thì được, chứ “cấm” theo kiểu áp đặt thì rất vô lý.

“Bảo cấm vì không hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam nhưng ai có quyền đánh giá nó hợp hay không hợp. Ví dụ như với người này thì hợp nhưng với người khác thì lại không hợp, làm sao áp đặt suy nghĩ của mình được?”, TS.Liêm nói.

Ông Liêm cho rằng: Lẽ ra, thay vì cấm xây nhà nhái kiến trúc Pháp, tại sao Bộ Xây dựng không cấm kiểu kiến trúc “củ tỏi” rất chướng mắt, mọc đầy rẫy trên nóc nhà dân tại nhiều địa phương trên cả nước, từ thành thị cho tới nông thôn. Đây là một kiểu kiến trúc Đạo hồi không biết xuất phát từ đâu, nhưng theo ông Liêm “nếu dân thích thì Nhà nước cũng đành chịu”. Cũng giống như việc trước đó ở Việt Nam làm gì đã có mái uốn cong nhưng sau này do ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc, mô hình này lại khá phổ biến tại nước ta.


Dễ dàng bắt gặp ở Việt Nam những ngôi nhà có thiết kế với "củ tỏi" trên nóc như thế này. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, lối kiến trúc này rất "chương mắt" và nên cấm hơn là cấm xây nhà nhại kiểu Pháp.

Do đó, “nước này ảnh hưởng kiến trúc của nước kia là bình thường” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN nhấn mạnh.

Trước đó, nhằm quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, ngày 23/5/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành công văn nêu rõ nguyên tắc các công trình phải có tính kế thừa kiến trúc và phù hợp với điều kiện, đặc điểm tự nhiên, đồng thời phải tôn trọng tập quán, văn hoá địa phương, gìn giữ bản sắc vùng miền trong kiến trúc…

Đặc biệt, Bộ lưu ý các địa phương không xây dựng các công trình theo hướng nhại kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu.

Lưu ý này của Bộ Xây dựng gặp phải làn sóng phản đối gay gắt từ phía các kiến trúc sư đang làm việc tại VN.

Kiến trúc sư Ngọc Linh hiện đang công tác tại công ty tư vấn thiết kế ở Tây Hồ, Hà Nội nói: “Không ai cấm được chuyện đó cả, đây là một quy định không hợp lý, nói cho vui, chứ không mang tính khả thi”.

Nếu các công trình đảm bảo những quy định khống chế về chiều cao cũng như phù hợp với quy hoạch chung, các điều khoản trong Nghị định 38/CP về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị thì được cấp phép chứ không thể vì xây theo lối kiến trúc Pháp mà không được cấp phép.

“Tôi nghĩ quy định trên của Bộ XD chỉ có thể áp dụng đối với những công trình mang tính biệt lập, riêng lẻ chứ không phải là đối với toàn dân. Nếu không, nó sẽ vi phạm quyền công dân, lợi ích riêng của mỗi người… Thậm chí, thế nào là theo kiểu kiến trúc Pháp, nước ta cũng chưa có quy định, hướng dẫn, vậy lấy đâu làm quy chuẩn để cấm?” – Kiến trúc sư Ngọc Linh bức xúc.

Có thể áp dụng lệnh cấm với công trình có vốn Nhà nước

Cũng đồng tình với quan điểm trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét: Việc trân trọng văn hóa vùng miền trong kiến trúc là rất tốt, rất đáng trân trọng, tuy nhiên, “cụ thể hóa ra là nhại kiến trúc cổ điển Pháp thì hơi buồn cười”.

Ông Ánh thừa nhận: Đúng là thời gian vừa qua, tại các địa phương, thực trạng người dân xây nhà kiểu Pháp rất phổ biến -  nó phản ánh sự nghèo nàn về hiểu biết, một xu thế tràn lan, dễ dãi trong thiết kế. Điều này rất đáng phê phán nhưng không nên đưa nó thành một điều luật.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, quy định cấm xây nhà nhại kiểu Pháp có thể áp dụng đối với những công trình sử dụng vốn ngân sách.

Ông giải thích: “Vì ngân sách của Nhà nước không chỉ đem lại những công trình giá trị về mặt vật chất mà bản thân nó cũng phải truyền tải một giá trị về văn hóa. Qua việc khắt khe này, có thể loại bỏ được những xu thế tầm thường hóa, dễ dãi, nhất là những công trình công sở thể hiện sự nô dịch về mặt văn hóa. Quy định này tạo điều kiện cho các kiến trúc sư Việt Nam thể hiện tính tự cường, tính sáng tạo trong thiết kế”.

Tuy nhiên, ông Trần Huy Ánh cũng lưu ý: Nhưng đối với nhà dân thì nên để thoải mái, “thậm chí dân có điều kiện xây thành một khu phố Châu Âu thì càng tốt”.

Kiến trúc sư Lê Ngọc Long, đang làm việc tại một công ty của Nhật Bản cũng cho rằng: Trên Thế giới có nhiều phong cách kiến trúc khác nhau: Nhật, Mỹ, Pháp,… Mỗi phong cách có "chất” riêng của nó. VN không có phong cách riêng, nên người Việt mỗi người một sở thích, do đó cả tuyến phố sẽ thành "lẩu" kiến trúc, mỗi nhà một phách.

“Nếu VN quản lý tốt sẽ tạo ra các bộ mặt kiến trúc sinh động hơn, ví dụ: Khu đô thị Ciputra theo phong cách Pháp cổ, tổng thể cả khu sẽ hài hòa, khu đô thị Ecopark theo phong cách hiện đại - sinh thái,…Nói chung, việc quản lý kém sẽ tạo ra bộ mặt kiến trúc xấu xí, chứ không phải tại kiến trúc Pháp cổ… để rồi đưa ra lệnh cấm” – Kiến trúc sư Long phân tích.

Về phía Bộ Xây dựng, ngay sau đó đã có công văn đính chính lại thông tin này, bỏ phần nội dung “Lưu ý: Không xây dựng các công trình theo hướng nhại kiểu kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu” với lý do “có sự sai sót trong in ấn”.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục Việt Nam