Thuế đất nông nghiệp: Nghị quyết “vượt mặt” luật?

Cập nhật 12/09/2010 09:30

Tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là chủ trương của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân và khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.


Tổng số tiền thu được từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng năm chỉ khoảng 84 tỷ đồng.
 
Tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là chủ trương của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân và khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tới đây chủ trương này sẽ được thực hiện như thế nào, đối tượng nào được hưởng và thời gian áp dụng trong bao lâu vẫn là những nội dung còn có các ý kiến khác nhau. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội diễn ra ngày 9/9, những tranh luận trên vẫn chưa ngã ngũ.

Sao không sửa luật?

Báo cáo thẩm tra dự thảo về việc ban hành nghị quyết Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2003 - 2010, mỗi năm đã miễn, giảm cho trên 11 triệu hộ với diện tích miễn, giảm khoảng hơn 5.400 ha, tổng số thuế miễn, giảm là 2.837 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp. Việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người nông dân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc ban hành nghị quyết của Quốc hội quy định tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, thể hiện chính sách đúng đắn trong việc tạo động lực tích lũy vốn của hộ gia đình nông dân, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông thôn.

Thế nhưng, theo ông Chu Văn Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách), thực tế thì trong nhiều năm qua, cùng với việc bỏ thuế nông nghiệp hay miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, người nông dân vẫn quan niệm rằng, Chính phủ đã bãi bỏ mọi khoản thuế trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, không có lý do gì chúng ta vẫn cứ giữ nguyên luật thuế sử dụng đất nông nghiệp trong chục năm qua, rồi lâu lâu lại ban hành một nghị quyết để “choàng” lên cả luật.

Ông Đạt băn khoăn, tại sao trong nhiều năm qua không sửa hẳn luật, bởi trên nguyên tắc, nghị quyết không thể “vượt mặt” luật được. Đó là chưa nói đến, có những điều khoản, giữa luật và nghị quyết đã không đồng nhất.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Hồng Việt, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách), nhấn mạnh tới đây Quốc hội nên miễn hoàn toàn thuế đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thậm chí không nên thu phần diện tích vượt trội định mức vì mỗi năm toàn quốc dự kiến cũng chỉ thu được 84 tỷ đồng cho ngân sách.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nếu miễn tất thì sẽ gây ra tình trạng không công bằng, bởi nếu chỉ có các hộ nông dân đơn thuần thì chấp nhận được, song hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với hàng nghìn ha đất kinh doanh, sản xuất thu lãi rất lớn từ đất.

Ở góc độ khác, ông Bùi Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình lo ngại rằng, hiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều tổ chức, liệu việc miễn, giảm thuế có ảnh hưởng đến những cam kết trong WTO không. Hơn nữa, đã miễn giảm thuế thì phải áp dụng cho mọi đối tượng vì tổng số thu không nhiều, trong khi hiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

“Việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp thực chất là nhằm vào sản xuất nông nghiệp. Còn nếu sử dụng đất sai mục đích thì nhà nước phải thu hồi ngay”, ông Tĩnh nói.

5 hay 10 năm?

Liên quan đến thời hạn miễn, giảm, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc đưa ra quan điểm, thời hạn miễn giảm chỉ nên 5 năm, vì hiện đang có “xung đột” là nghị quyết “to” hơn luật. Nếu kéo dài quá sẽ xảy ra tình trạng “quên” luật. Thời hạn này cũng là quan điểm của một số thành viên khác trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu miễn, giảm trong 5 năm thì quá ngắn, không đủ cho người nông dân lập kế hoạch nuôi, trồng trên một diện tích đất nhất định. Theo ông Vũ Hồng Hà , Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, 10 năm sẽ là khoảng thời gian hợp lý vì nó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia.

Ngoài ra, theo ông Phan Đình Trạc, đối với diện tích ngoài hạn mức thì cũng không nên giảm đồng đều 50% mà nên tính theo quy mô diện tích đất. Riêng đối với diện tích đất trồng lúa, làm muối, đất phục vụ nghiên cứu thì nên miễn 100%.

“Hiện Chính phủ cũng đã và đang có chủ trương khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, trong khi đối tượng chính của luật thuế này là các hộ nông dân, không phải là doanh nghiệp nên cần phải xem xét kỹ thu hay không để tránh mẫu thuẫn với các chính sách hiện hành”, ông Trạc khuyến nghị.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, sắp tới Bộ sẽ sửa lại dự thảo theo hướng đất trong hạn mức sẽ được miễn hoàn toàn, trên hạn mức được giảm và trên hạn mức tích tụ thì thu 100%. Đất trồng lúa, làm muối có thể sẽ được miễn toàn bộ, đất dành cho mục đích nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp được miễn thay vì giảm thuế.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực dễ gặp rủi ro, thu nhập của người nông dân bấp bênh, không ổn định, số vốn đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp không nhiều, trong khi đời sống người nông dân còn khó khăn. Do đó, quan trọng là phải đảm bảo cho người nông dân có đất trực tiếp sử dụng hoặc gián tiếp tham gia sử dụng phải có cuộc sống ổn định, không bấp bênh, giúp họ nâng cao đời sống.

“Việc miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất trồng lúa, đất làm muối, đất phục vụ nghiên cứu phát triển nông nghiệp. Thời hạn miễn, giảm 10 năm là phù hợp, thậm chí dài hơn nữa”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy