Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Hà Nội

Cập nhật 27/07/2011 09:15

Chiều 26/7, Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Chiều 26/7, Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Dự kiến sáng thứ 6 ngày 29/7, Bộ Xây dựng sẽ công bố quy hoạch này và từ đầu tháng 8 người dân sẽ được xem quy hoạch Hà Nội tại Cung Quy hoạch quốc gia đặt tại Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội).

Theo đó, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì…

Hà Nội có đô thị trung tâm từ vành đai IV trở vào là trung tâm chính trị, văn hóa, dịch vụ, y tế, giáo dục chất lượng cao của cả nước.

Ngoài ra, hình thành năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn và các đô thị sinh thái. Đặc biệt, Hà Nội có khu vực hành lang xanh nằm giữa khu trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã ký phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong đó xác định không gian quy hoạch Hà Nội được tổ chức theo chùm đô thị bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2), khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến Nam sông Cà Lồ).

Tại đô thị trung tâm là bố trí trụ sở, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và Thành phố, trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán, các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Ngoài ra, phát triển các đô thị vệ tinh như: đô thị Hòa Lạc, đô thị Sơn Tây, đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên, đô thị Sóc Sơn. Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở,...

Theo Quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2015 là từ 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 69-70 tỷ USD); và khoảng 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110-120 tỷ USD) thời kỳ 2016-2020.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia