Thủ tục nhà, đất: dân bị hành... nhiều tập

Cập nhật 13/09/2007 11:00

Cho dù thủ tục có đơn giản đến đâu nhưng khi gặp cán bộ thiếu lương tâm, chức trách thì người dân vẫn bị làm khó, thủ tục nhà đất vốn phức tạp lại càng trở nên phức tạp...

Bài cuối : Cán bộ thiếu tâm, thiếu tầm

Cho dù thủ tục có đơn giản đến đâu nhưng khi gặp cán bộ thiếu lương tâm, chức trách thì người dân vẫn bị làm khó, thủ tục nhà đất vốn phức tạp lại càng trở nên phức tạp.


Khi trao đổi về vấn đề thủ tục nhà đất, nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh nhu cầu thực hiện các giao dịch của người dân rất lớn, trong khi đó tình trạng trì trệ của nền hành chính chậm được khắc phục; thủ tục rườm rà, phát sinh nhiều tầng nấc. Đặc biệt, tình trạng tùy tiện còn diễn ra ở không ít địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cái khó nhất là yếu tố con người. Nếu công chức không "đủ tâm, đủ tầm" thì mọi chuyện vẫn "vướng".

Móc ngoặc để kiếm chác


Tiến sĩ Lê Văn In - giảng viên cao cấp Trường Cán bộ TP.HCM - nói: "Cứ để ý một chút thì thấy những văn phòng tư vấn nhà đất mọc...như nấm vây lấy UBND các quận huyện, các sở ngành hoặc phòng, ban có chức năng quản lý về nhà đất. Người dân tự làm thủ tục thì bị "hành" lên, "hành" xuống, còn các dịch vụ thì được hẹn đúng ngày, đúng giờ, thậm chí còn sớm hơn. Chắc chắn phải có sự móc nối giữa những nhân viên nhà nước với các dịch vụ nhà đất".

TS In đề nghị mỗi cơ quan nên có hộp thư để người dân góp ý về thái độ, cách phục vụ của cán bộ công chức cũng như tiến độ giải quyết hồ sơ. Góp ý này không bắt buộc người dân phải nêu tên để tránh bị trù dập. Từng cơ quan ban hành qui chế: cán bộ bị góp ý nhiều hay ít tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật như hạ bậc thi đua, phê bình, kiểm điểm hoặc bị điều chuyển sang các bộ phận khác. Nên xem đây là một "kênh" để người dân giám sát.

Dù vậy, TS In vẫn nói: "Biện pháp căn cơ phải có chế độ lương hợp lý, làm sao để cán bộ công chức có thể sống được cơ bản bằng tiền lương. Nếu không thì cán bộ sẽ tự tìm cách xoay xở bằng nhiều cách, trong đó có việc sách nhiễu và gây phiền hà cho dân.

Ở Singapore có một giải pháp rất cần để chúng ta tham khảo: khi trả lương hằng tháng, cơ quan sẽ giữ lại một tỉ lệ nhất định để gửi vào kho bạc. Số tiền này phòng khi ốm đau hoặc tích lũy để xây nhà... Khi cán bộ vi phạm, bị xử lý thì khoản tiền này bị sung công, không thuộc về cán bộ đó nữa. Hình thức chế tài vào lương này rất hiệu quả”.

TS Lê Văn In cũng cho rằng cần đẩy mạnh các dịch vụ công để tìm lối ra cho việc cải cách thủ tục hành chính nói chung. "Nhà nước có thể huy động các nguồn lực trong xã hội vào việc cung ứng các dịch vụ công, hay nói cách khác đó là hình thức xã hội hóa. Nhà nước có trách nhiệm phải bảo đảm cung ứng cho xã hội các dịch vụ công, để có nguồn kinh phí nuôi dưỡng các dịch vụ công đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội, bao gồm các nguồn lực thông qua ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài ngân sách" - TS In nói.

Tùy tiện

Trước thực trạng nhiều địa phương làm sai qui định của Luật xây dựng trong cấp phép xây dựng, ông Chu Văn Chung - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng - cho biết chưa có địa phương nào có báo cáo cụ thể về công tác cấp phép xây dựng. Ngược lại có nơi phản ánh không có thủ tục nào rườm rà cả, việc thực hiện rất suôn sẻ. Vì vậy, ngay những cán bộ lãnh đạo của địa phương có khi cũng không biết nỗi khổ của dân, của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Chung nhấn mạnh: "Khi đi kiểm tra, theo tôi, đúng là thủ tục... có nhiều thật. Nhiều nhất, có nhà đầu tư phải làm tới 14 thủ tục, giấy tờ khác nhau, đó là ở Hà Nội! Như thế là rất nhiều. Cảm nhận của tôi là có nhiều qui định của địa phương rườm rà, mất thời gian".

Ông Chung còn nêu rõ: "Chúng tôi nhận thấy đúng là có một số địa phương tự đặt ra những qui định trong việc cấp phép xây dựng. Các thủ tục do địa phương đặt ra thường có hai loại: tự đặt ra bằng văn bản hẳn hoi; có loại không đặt ra bằng văn bản nhưng các cá nhân, tổ chức khi thụ lý hồ sơ vẫn yêu cầu người dân, chủ đầu tư phải thực hiện. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ cả hai hình thức này".

Theo ông Chung, nhiều địa phương nói do đặc thù nên phải ra qui định riêng. Bộ Xây dựng không đồng ý với quan điểm đó, "chúng tôi yêu cầu phải dẹp bỏ”. Nếu có đặc thù thì chính quyền địa phương phải tổng hợp lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin phép.

Với loại không văn bản nào qui định nhưng công chức hành dân bằng cách thêm cái này thêm cái nọ, ông Chung nói chính quyền địa phương phải tự rà soát, lãnh đạo cơ quan phải biết cán bộ của mình đang làm những việc gì sai trái để chấn chỉnh ngay và xử lý nghiêm. Ông Chung cũng thừa nhận: "Ngại nhất là cái loại này".

Ông Chung cho biết thêm: nhiều địa phương chưa qui hoạch đủ, phủ kín toàn diện tích. Đây là nguyên nhân lớn nhất gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là chủ đầu tư khi xin phép xây dựng. "Người quản lý xây dựng phải quản lý theo qui hoạch mà qui hoạch lại chưa có. Do vậy cứ phải thỏa thuận mà thỏa thuận thì thường dẫn đến tùy tiện" - ông Chung khẳng định.

Bộ Xây dựng kiến nghị bãi bỏ các qui định về giấy phép xây dựng sau đây:

1. Năm thủ tục hành chính đang được thực hiện tại Sở Qui hoạch - kiến trúc Hà Nội, buộc người dân phải xin bao gồm: (1) thỏa thuận địa điểm; (2) cấp chứng chỉ qui hoạch hoặc cấp thông tin qui hoạch; (3) chấp thuận chỉ giới đường đỏ và cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật; (4) chấp thuận qui hoạch tổng mặt bằng; (5) chấp thuận phương án kiến trúc.

2. Khoản 13.1 điều 13 quyết định số 109/2005 ngày 20-6-2005 của UBND TP.HCM "Ban hành qui định về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước" qui định Sở Bưu chính - viễn thông được thẩm định thiết kế cơ sở.

3. Điều 11 tại quyết định số 04/2006 ngày 17-1-2006 của UBND TP.HCM "Ban hành qui định về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn TP.HCM" qui định trong hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải có các loại giấy tờ như: văn bản chấp thuận của các cơ quan quản lý về môi trường, phòng cháy - chữa cháy, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo...

4. Điều 11 tại quyết định số 28/2006 ngày 17-3-2006 của UBND TP Hà Nội "Ban hành qui định cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn TP Hà Nội" qui định trong hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải có các loại giấy tờ như: văn bản chấp thuận của Ban Tôn giáo TP, văn bản chấp thuận của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn...

5. Khoản 3 mục A của chỉ thị số 09/2007 ngày 27-3-2007 của UBND TP.HCM "Về bảo đảm an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP.HCM". Qui định này quá phức tạp, phiền hà: "Trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư phải thuê tổ chức tư vấn chụp ảnh, quay phim, đo vẽ hiện trạng các nhà dân, công trình lân cận, lập thành biên bản tại hiện trường có chữ ký xác nhận của các hộ liền kề, các công trình lân cận và các bên liên quan".




>>  Bài 1: Quá tải + thủ tục rườm rà = thất hẹn

>>  Bài 2: Nhọc nhằn bởi cái... bản vẽ

>>  Bài 3: Cấp phép xây dựng: "vẽ rắn thêm chân"


Theo Tuổi Trẻ