Chứng kiến người dân TP.HCM xếp hàng chờ đợi tại cơ quan công quyền mới thấy hết sự khổ sở của người dân trong cuộc “hành trình“...
Bài 1: Quá tải + thủ tục rườm rà = thất hẹn
Chứng kiến người dân TP.HCM xếp hàng chờ đợi tại cơ quan công quyền mới thấy hết sự khổ sở của người dân trong cuộc "hành trình" xin cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng).
Khi UBND TP.HCM ban hành quyết định 54 về qui trình cấp giấy hồng mới với thời gian rút ngắn còn 30 ngày, ai cũng tưởng việc cấp chứng nhận nhà đất sẽ dễ thở hơn. Thế nhưng, qua mấy tháng triển khai qui trình này đã chứng minh sự khó thở của người dân. Trước khi nộp hồ sơ cho quận huyện, chủ nhà đất còn phải kinh qua thủ tục xin xác nhận và niêm yết tại phường. Theo qui định thì thời gian xác minh và niêm yết tại phường chỉ mười ngày, nhưng chuyện bị sai hẹn ngay từ khâu niêm yết diễn ra rất thường xuyên. Nhiều phường vẫn vin vào lý do "cần xác minh thêm" để kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân.
Qua được cửa phường, tới khâu nộp hồ sơ ở quận huyện thì hành trình xin cấp giấy của người dân vẫn tiếp tục các kiểu chậm trễ hẹn vì quá tải, hoặc phải bổ túc giấy tờ, đo vẽ lại... Theo thừa nhận của nhiều quận huyện, hầu như hiếm có hồ sơ nào được giải quyết đúng thời gian qui định. Rốt cuộc người dân lãnh đủ.
Hẹn, hẹn nữa, hẹn mãi...
Cứ vào mỗi ngày thứ ba trong tuần là phòng tiếp dân của UBND quận Bình Thạnh lại đông nghẹt người ngồi, đứng chen chúc. Nhiều người đến từ sáng, chờ tới trưa vẫn không được gọi tên. Đến chiều quay lại tiếp tục... chờ. Người nóng ruột đi ra đi vô, người túm tụm trò chuyện giết thời gian, người ngồi gục đầu tranh thủ ngủ.
Chiều 28-8, tại phòng tiếp dân UBND quận Bình Thạnh có khoảng 40 người xếp hàng chờ đợi. Chị Vũ Thị Ngọc Hoa, ngụ phường 22, bức xúc cho biết đây là lần thứ ba chị đến đây. Rút kinh nghiệm mấy lần trước, chị đến từ sáng sớm để nộp biên nhận nhưng đã thấy chồng biên nhận cao ngất ngưởng. Chờ mãi hết buổi sáng không thấy gọi tên nên buổi chiều chị phải quay lại. Chờ gần một giờ thì nghe gọi đến tên, chị mừng húm chạy lên nhưng được hẹn "ba tuần nhận kết quả”.
Chìa cho chúng tôi xem tờ biên nhận, chị kể: đã nộp đủ hồ sơ từ tháng tư, được hẹn ngày 6-6 để nhận kết quả. Đến hẹn, chị đến quầy trả hồ sơ thì được nhân viên lạnh lùng trả lời: "Chưa thấy ở đây". Chị thắc mắc, nhân viên này nói: "Sang phòng tiếp dân mà hỏi". Một tuần sau chị Hoa quay lại. Chờ từ sáng đến tận chiều, chị mới được gọi tên nhưng chỉ được ghi một câu: "Hẹn 30 ngày". Hơn một tháng sau, chị lại đến và cũng được bộ phận trả hồ sơ nói: "Vẫn không thấy hồ sơ”. Lại xếp hàng mất một buổi ở phòng tiếp dân để hỏi, lần này chị cũng được ghi đúng một câu hẹn muôn thuở: "30 ngày có kết quả”. Chính vì vậy, thêm lần "hẹn ba tuần" này nữa chị Hoa vẫn không dám tin đây là lần hẹn cuối cùng. Một anh ngồi cạnh nghe chuyện chị Hoa bị hẹn ba lần, liền chìa ra tờ biên nhận của mình nói: "Mới lần thứ ba mà nhằm nhò gì. Giấy của tôi hẹn tới lần thứ năm rồi nè”.
Tiếp lời anh, hàng chục người khác móc giấy biên nhận của mình ra đếm và cùng nhao nhao trút nỗi bực dọc: "Tôi cũng lần thứ ba rồi đấy", "Tôi lần thứ tư rồi đây nè...". Không khí trong phòng chờ căng lên, ai cũng kể lể về "hành trình" lên xuống, đi lại vất vả của mình như muốn so đọ xem ai mới là người gian khổ nhất. Bực bội của người dân không chỉ ở sự sai hẹn nhiều lần, quan trọng hơn là qui trình trả lời, giải quyết hồ sơ của UBND quận Bình Thạnh đã khiến người dân mệt nhoài.
Sáng 27-8, tại bộ phận trả hồ sơ của quận Gò Vấp, chúng tôi gặp anh H. với gương mặt bí xị. Hỏi thăm mới biết anh đã bị hẹn tới hẹn lui ba lần, dù giấy tờ nhà đất của anh hợp lệ ("giấy trắng"). Theo qui định, trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ anh sẽ có giấy hồng. Thế nhưng anh nộp hồ sơ vào tháng năm và được hẹn hai tháng sau quay lại có kết quả. Khi đến lấy kết quả anh lại bị hẹn thêm một tháng nữa. Một tháng sau anh đến thì được hẹn tiếp hai tuần sau... Đến nay, hồ sơ anh H. đã bị "ngâm" hơn ba tháng, gấp ba lần thời gian qui định nhưng "chưa biết tiến độ giải quyết đến đâu".
Năn nỉ dân... thông cảm!
Tổ nghiệp vụ hành chính công quận 3 cho biết hiện nay ngoài 2.000 hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền đối với nhà kê khai theo quyết định 207 (nhà xây dựng không phép, sai phép) chưa giải quyết, tại đây luôn "thường trực" khoảng 500 hồ sơ mới xin cấp chủ quyền. "Hồ sơ cũ vừa giải quyết xong thì hồ sơ mới lại nộp vào. Vừa qua quận phải huy động thêm cán bộ nhà đất tại các phường phụ xử lý hồ sơ ngoài giờ nhưng vẫn không kịp" - một cán bộ than.
Trong khi đó chủ tịch UBND quận Bình Tân Trần Văn Thuận thừa nhận: hồ sơ xin cấp chủ quyền nhà đất tại quận đang quá tải. Chỉ riêng khâu cấp giấy hồng mới mỗi tuần nhận trên dưới 400 hồ sơ, trong khi khả năng thụ lý của cán bộ chỉ bằng 1/3 con số này. Dù sắp tới quận tổ chức làm thêm ngày thứ bảy nhưng cũng chưa chắc giải tỏa lượng hồ sơ đang tăng mỗi ngày. Quận đang tính chuyện phải tuyển thêm cán bộ.
Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Hồng nói rằng dù quận đã huy động thêm cán bộ xử lý hồ sơ (hiện nay có 14 người) và phải làm thêm vào buổi tối cũng như cả ngày thứ bảy nhưng vẫn không xuể. Cứ nghĩ hồ sơ tăng một hai tháng đầu sau đó giãn ra nhưng không ngờ một tháng trở lại đây hồ sơ tiếp tục tăng nhanh. "Giờ chỉ còn cách vừa tranh thủ giải quyết hồ sơ nhanh cho người dân, vừa... năn nỉ để người dân thông cảm với quận" - ông Hồng nói.
Trong khi hàng ngàn người dân có nhu cầu cấp mới vẫn chưa giải quyết xong thì các quận phải đối diện với "áp lực mới". Điều 93 Luật nhà ở qui định: sau khi mua nhà hoặc được tặng, cho, thừa kế nhà ở thì những người này phải nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy hồng mới. Với qui định này, dù giấy hồng được cấp cách đó vài ngày vẫn phải làm thủ tục đổi giấy, vừa gây lãng phí, vừa mất thời gian. Trên thực tế, một số quận thực hiện theo qui định bắt buộc người mua, nhận tặng cho phải đổi sang giấy hồng mới, nhưng có quận vẫn áp dụng theo các loại giấy cũ, chỉ cập nhật tên chủ mới vào trang 4 giấy chứng nhận.
Hiện nay toàn TP có khoảng 20.000 giấy hồng mới đã được cấp và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, vì vậy các quận đang lo: nếu làm đúng qui định là mỗi lần mua bán, nhận tặng cho phải đổi sang giấy hồng mới thì nhiều giấy hồng phải "quay" liên tục và lượng hồ sơ xin đổi giấy chủ quyền có khả năng phát sinh rất lớn.