Thu hồi đất phải tính đến sinh kế lâu dài của người dân

Cập nhật 23/05/2013 08:26

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi nhận thấy, về cơ cấu, bố cục của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) được trình bày khá khoa học, hợp lý, từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu và có nhiều điểm mới so với Luật Ðất đai hiện hành.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi nhận thấy, về cơ cấu, bố cục của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) được trình bày khá khoa học, hợp lý, từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu và có nhiều điểm mới so với Luật Ðất đai hiện hành.

Ðất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Tuy nhiên, theo tôi, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề bất cập, như: giá đất, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, quy định giải quyết các khiếu nại, tranh chấp đất đai; một số điều khoản chưa được luật hóa cụ thể. Mặt khác, một số điều, khoản quy định còn chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, gây khó hiểu, khó áp dụng, dễ xảy ra tiêu cực.

Ðiều đáng lưu ý là, Dự thảo có quy định về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng đều chưa tính đến sinh kế và quyền lợi lâu dài của người dân. Việc quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được giao cho cá nhân sẽ dễ nảy sinh tiêu cực trong quản lý. Tại Ðiều 50, khoản 2 ghi: Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các quy định tại khoản 1, Ðiều này còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Quy định như vậy sẽ khó thực hiện, bởi lẽ một số dự án, công trình nhỏ lẻ, manh mún ở các địa phương không thể không sử dụng đến đất lúa... Và nếu quy định như vậy, để thực hiện được các công trình có sử dụng đất lúa, thậm chí là vài chục mét vuông cũng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, thì có phần cứng nhắc, khó thực hiện. Do vậy, tôi đề nghị sửa đổi theo hướng phân mức có sử dụng đất lúa của từng dự án; những dự án có sử dụng diện tích đất lúa lớn phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, còn diện tích nhỏ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố xem xét, quyết định. Riêng đối với việc sử dụng đất lúa để xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi, nên giao Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định.

Tại điểm e và g, khoản 1, Ðiều 57 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì tương đối phức tạp, không cần thiết và không phù hợp mục đích đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất. Do đó, đề nghị đưa hai nội dung này vào thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện tại khoản 2 là phù hợp. Ðối với Ðiều 82, khoản 1, về lập và thực hiện dự án tái định cư, tôi đề nghị chuyển thẩm quyền cho cấp huyện. Và ghi lại là, "căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất". Vì UBND tỉnh không thể đi đến từng địa phương, địa bàn cơ sở. Do vậy, để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, đề nghị nghiên cứu, phân cấp cho cấp huyện tổ chức thực hiện đối với những dự án vừa và nhỏ thuộc địa phương quản lý...

DƯƠNG CHÍ CÔNG - (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam)

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân