Ý kiến về một số điểm chưa rõ của Thông báo 202/TB-VPCP về việc tiếp tục cho các doanh nghiệp (DN) xây dựng nhà cao tầng trong các quận nội thành Hà Nội.
Hà Nội còn rất nhiều chung cư cũ phải đầu tư, xây dựng mới. Ảnh: Hà Thanh |
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, các dự án đã được cấp phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 vẫn được tiếp tục triển khai.
Chủ một DN kinh doanh bất động sản tại Hà Nội cho biết, Thông báo 202/TB-VPCP đã giải toả phần nào nỗi lo cho những DN có các dự án xây dựng cao tầng trong nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, có một số điểm cần làm rõ để DN có thể thực hiện dự án được giao một cách thuận lợi.
Đó là các dự án được Hà Nội xếp hạng “ưu tiên 1” gồm 54 dự án sẽ cho triển khai ngay, có phải tất cả đều mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố hay không (?). Trong khi đó, có nhiều dự án cấp thiết, như cải tạo, xây mới chung cư cũ, xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thủ đô… lại không có mặt trong danh sách các dự án ưu tiên này.
Với các dự án đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, nhiều DN cũng băn khoăn và muốn làm rõ là quy hoạch gì, quy hoạch chung hay quy hoạch chi tiết, hay nhiệm vụ quy hoạch (?). Sự không rõ ràng này có thể gây khó khăn cho DN có các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ phải làm lại từ đầu.
Ngoài ra, khi xem xét các dự án, cơ quan chức năng cũng phải tính toán, tạo điều kiện cho các dự án đặc thù như: cải tạo chung cư cũ ở những khu vực hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã xuống cấp trầm trọng, không còn phù hợp với đời sống đô thị hiện đại. Công cuộc cải tạo Thủ đô cần sự góp sức của các ngành, các thành phần kinh tế và người dân. Do vậy, không thể dồn trách nhiệm cho các DN xây dựng nhà cao tầng từ các dự án cải tạo chung cư cũ, nhà nguy hiểm. Khi DN cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, thì cần có những cơ chế đảm bảo cho DN có khả năng thực hiện dự án.
Giám đốc một DN tại Hà Nội có dự án nằm ngoài khu vực đường Vành đai III Hà Nội lo lắng, với các dự án có ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội được giao xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các nhu cầu công cộng, như công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…, thì việc đền bù các thiệt hại cho chủ đầu tư trong quá trình lập dự án sẽ được thực hiện ra sao, bao giờ mới được chuyển đổi, trong khi chủ đầu tư đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để lập dự án (?). Mặt khác, quỹ đất của Hà Nội không còn nhiều, vùng Hà Nội mở rộng hầu hết cũng đã có dự án quy hoạch. Vậy Hà Nội sẽ lấy đâu ra quỹ đất để đền bù cho các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng… (?)
Trước băn khoăn của nhiều DN, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho biết, với những dự án đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của Chính phủ sẽ được triển khai ngay. Việc rà soát, quyết định cho các dự án cao tầng cũng sẽ được Thành phố thực hiện khẩn trương và linh hoạt, tránh bức xúc cho DN. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Hà Nội hiện nay, theo ông Bình, là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô chưa được phê duyệt, nên Thành phố chưa đủ căn cứ pháp lý để tiến hành thoả thuận, chuyển đổi dự án cho DN.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư