Thiết kế đẹp không sợ phá cảnh quan

Cập nhật 18/03/2010 15:10

Làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 15.3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rằng bốn tuyến đường trên cao là bốn tuyến cao tốc đô thị, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông...


Một đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Lê Quang Nhật
Làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 15.3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rằng bốn tuyến đường trên cao là bốn tuyến cao tốc đô thị, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, Chính phủ sẽ bố trí nguồn vốn Trung ương cho một số dự án. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM cần ưu tiên xây dựng tuyến số 1, tức đường trên cao Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vì đây là tuyến đường xương sống, đảm bảo lưu thông thông suốt qua nội ô thành phố.

Đường trên cao Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NL – TN) được khởi động từ năm 2002, tuy nhiên sau hơn bảy năm vẫn chưa thể khởi công do bế tắc nguồn vốn. Được biết, sau khi nhà đầu tư là tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) rút khỏi dự án hồi cuối năm ngoái, mới đây một tập đoàn của Hong Kong đã đặt vấn đề với TP.HCM để làm chủ đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây đường trên cao để giải toả giao thông là cần thiết, tuy nhiên vẫn phải thận trọng để bài toán giao thông không mâu thuẫn với bài toán cảnh quan.

Năng lực giải toả giao thông lớn

Theo công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa (trường đại học Bách khoa TP.HCM) – đơn vị thiết kế dự án, đường trên cao NL – TN dự kiến bắt đầu từ đường Cộng Hoà (gần vòng xoay Lăng Cha Cả) đi theo đường Bùi Thị Xuân ra kênh NL – TN, sau bám theo kênh NL – TN đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2). Đường có tổng chiều dài khoảng 8,5km, gồm bốn làn xe (mỗi làn rộng 3,5m), vận tốc thiết kế 80km/h, tuổi thọ 100 năm. Theo đánh giá của sở Giao thông vận tải, việc xây dựng đường trên cao được xem là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề đảm bảo mật độ diện tích mặt đường hợp lý, ít khó khăn về giải toả.

Đường trên cao NL – TN theo quy hoạch là trục đường xương sống để các đường trên cao còn lại kết nối vào. Đường có chức năng là đường cao tốc đô thị, là một bộ phận đường trục xuyên tâm bắc – nam, kết nối khu vực phía tây bắc và sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm hiện hữu và khu đô thị Thủ Thiêm. Đường cũng sẽ góp phần giải toả áp lực đáng kể cho các trục Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ...

Ưu tiên cho nhu cầu giao thông

TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, nhu cầu cảnh quan là hết sức quan trọng, tuy nhiên khi đặt lên bàn cân thì vẫn cần ưu tiên cho nhu cầu giao thông. Bởi nếu thiết kế cảnh quan thật đẹp nhưng kẹt xe thường trực thì cái đẹp đó chưa hẳn có ý nghĩa. Theo ông Cương, không chỉ các dự án đường trên cao mà bất kỳ công trình hạ tầng nào cũng có thể ảnh hưởng không tốt tới cảnh quan chung. Do đó, rất cần cân nhắc để đảm bảo hài hoà hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động xấu tới cảnh quan. Ở dự án đường trên cao NL – TN, hoàn toàn có thể khắc phục sự ảnh hưởng này bằng cách đầu tư kỹ cho khâu thiết kế kiến trúc của công trình. Đồng thời, xem xét nhiều hướng tuyến khác nhau, với độ cao thấp, uốn lượn khác nhau để chọn hướng tuyến đẹp mắt và hài hoà nhất. “Công trình giao thông không phải bao giờ cũng phá vỡ cảnh quan, mà nhiều khi chính công trình giao thông phối hợp với các công trình kiến trúc xung quanh sẽ tạo nên nét đẹp mạnh mẽ cho cảnh quan. Quan trọng là chúng ta có chịu đầu tư cho khâu thiết kế kiến trúc hay không”, ông Cương nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Xuân Hoà, giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa thì cho rằng ngay trong khâu thiết kế đã tính tới các giải pháp để đảm bảo ít ảnh hưởng tới cảnh quan nhất. Cụ thể, đường trên cao chỉ rộng 16m và nằm cao hơn hai đường ven kênh Hoàng Sa và Trường Sa khoảng 8m (có nơi hơn 10m), do đó con đường sẽ “lọt thỏm” trong hành lang kênh NL – TN rất rộng lớn. Hơn nữa, con đường gần như đi một bên mép của bờ kênh nên sẽ không làm choán hết không gian mặt kênh. Theo ông Hoà, khi thiết kế đơn vị đặt tính thẩm mỹ của con đường lên hàng đầu, nhìn toàn cảnh đường sẽ giống như con rồng uốn lượn trên kênh NL – TN. Ngoài ra, ở những nơi có khoảng cách từ mép đường trên cao gần với nhà dân (nơi gần nhất là 7m, chủ yếu trên đường Bùi Thị Xuân), sẽ xây dựng tường chắn để giảm tiếng.

Ưu tiên kiến trúc đẹp

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết, một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn nhà đầu tư và đơn vị thi công là kiến trúc cần nghiên cứu kết cấu thanh mảnh, đẹp, hài hoà cảnh quan khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, trong quá trình thi công, có thể sử dụng công nghệ cầu bêtông lắp hẫng hoặc đề xuất các công nghệ thi công tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường cho cư dân xung quanh. Xây dựng đường trên cao có thể kiểm soát được cảnh quan môi trường và an toàn giao thông thông qua các biện pháp kỹ thuật công trình và thiết kế mỹ thuật.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị