Thảo luận quanh Dự thảo Luật Nhà ở vẫn nóng

Cập nhật 17/09/2014 11:06

Dù đã vào thời điểm “chung kết” nhưng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn rất nhiều vấn đề gây các ý kiến trái chiều từ phía nhà quản lý, giới luật và doanh nghiệp tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà ở tại Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM vào chiều nay 16-9.

Dù đã vào thời điểm “chung kết” nhưng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn rất nhiều vấn đề gây các ý kiến trái chiều từ phía nhà quản lý, giới luật và  doanh nghiệp tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà ở tại Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM vào chiều nay 16-9.

Có ý kiến cho rằng, nhà nước phải có chính sách về nhà tái định cư trong luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Ảnh: Thanh Tao

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được lấy ý kiến là bản dự thảo được bổ sung, chỉnh sửa mới đây nhất, vào ngày 8-9-2014, dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

Các điều khoản về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định tại dự thảo luật này thu hút được nhiều ý kiến tranh luận. Điều 156 của dự thảo luật quy định “cá nhân nước ngoài đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam” mới được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, quy định này đã làm hạn chế, thậm chí làm mất tác dụng chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. “Nếu quy định theo dự thảo luật hiện nay thì chẳng khác nào quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam với thời gian 6 tháng, 12 tháng như trước đây”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, trên thực tế có nhiều doanh nhân, chuyên gia người nước ngoài có cơ sở kinh doanh hoặc làm việc tại nhiều nước, họ đến và ở Việt Nam mỗi đợt từ vài ngày đến vài tuần để làm việc rồi lại đi nơi khác, nhưng lại có nhu cầu nhà ở thực sự. Do đó, ông Châu kiến nghị chỉ cần quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có thể mua nhà và sở hữu nhà nếu có nhu cầu.

Đồng tình với ông Châu, ông Nguyễn Tấn Hảo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM cho rằng, đứng trên góc độ pháp lý thì đề xuất của ông Châu phù hợp với các luật hiện hành liên quan, còn về góc độ kinh tế thì việc làm này sẽ thu hút được nguồn ngoại tệ vào Việt Nam.

Vấn đề xác định quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo luật cũng gây nhiều tranh cãi. Dự thảo luật này quy định chủ đầu tư dự án phải dành một phần diện tích xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa nói rõ tỷ lệ này là bao nhiêu.

Ông Châu ở HoREA cho rằng, các nghị định trước đây của Chính phủ đã quy định chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất kinh doanh để làm nhà ở xã hội, nay dự thảo luật lại không quy định tỉ lệ này nên khi thực hiện sẽ không thống nhất. Do đó, ông Châu đề nghị phải ghi rõ tỉ lệ 20% này vào luật.

Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM lại có ý kiến về việc dự án luật không nên có mục riêng để quy định về phát triển nhà ở tái định cư  vì cho rằng, không nên xem nhà tái định cư là một loại hình nhà ở mà nên hiểu đây là mục đích phục vụ của nhà ở. Từ đó, ông Sơn cho rằng, nhà ở phục vụ mục đích tái định cư có thể là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc nhà công vụ. Một đại diện của Hội Luật gia TPHCM cũng đồng tình quan điểm này của ông Sơn.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Nam, đại diện Sở Tư pháp TPHCM  lại cho rằng, Nhà nước phải có chính sách về nhà tái định cư trong luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân nên việc có mục riêng để quy định chặt chẽ về nhà tái định cư trong luật là cần thiết.

Bên cạnh đó, vấn đề về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo luật cũng nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo luật khi cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà  ở bắt đầu từ lúc bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đầy đủ tiền mua, thuê mua nhà ở.

Trong khi đó, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, cần quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà là thời điểm hoàn thành việc giao dịch nhà ở được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

HoREA kiến nghị quy định thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai trong luật

Theo công văn HoREA gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Hiệp hội này kiến nghị bổ sung vào dự thảo luật này quy định cho phép thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai trong điều khoản quy định quyền của chủ đầu tư và người mua bất động sản hình thành trong tương lai để đáp ứng nhu cầu của thị trường và của người tiêu dùng.

Theo lập luận của HoREA, sở dĩ nên có quy định này vì tại khoản 5 điều 13 Nghị định 188/2013 của Chính phủ đã cho phép thế chấp nhà ở xã hội hình thành trong tương lai với ngân hàng để vay tiền mua, thuê chính căn hộ đó. Đồng thời, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một Thông tư liên tịch số cho phép thế chấp bất động sản thương mại hình thành trong tương lai.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG