Tạo thuận lợi cho dân

Cập nhật 03/07/2010 10:10

Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (tổ đề án 30) vừa đề xuất cho người dân đăng bộ trên giấy chứng nhận khi chuyển nhượng nhà, đất...

Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (tổ đề án 30) vừa đề xuất cho người dân đăng bộ trên giấy chứng nhận khi chuyển nhượng nhà, đất. Theo nhiều cán bộ quản lý, cách làm này có lợi cho dân hơn so với việc mỗi lần mua bán là phải sang tên, đổi giấy mới như hiện nay.


Mẫu giấy chứng nhận nhà đất cũ (dưới) cho người mua được cập nhật biến động trên trang 4, mẫu giấy chứng nhận nhà đất mới (trên) không được cập nhật - Ảnh: T.T.D.

Theo đề xuất của tổ đề án 30, sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, người nhận chuyển nhượng được chọn một trong hai hình thức đăng ký: ghi tên chủ sử dụng, chủ sở hữu trên trang 4 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi chung là giấy chứng nhận - GCN) hoặc được cấp GCN mới. Đề xuất này đang lấy ý kiến người dân và các cơ quan chức năng.

Nên để dân chọn lựa


Ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường Q.Tân Bình (TP.HCM), ủng hộ đề xuất của tổ đề án 30: “Tôi thấy nên để cho người dân lựa chọn. Cập nhật biến động trên trang 4 GCN đỡ mất thời gian, thủ tục đơn giản và có thể biết được nguồn gốc của căn nhà, thửa đất. Thực tế nhiều chủ nhà muốn làm theo hình thức này vì cần thế chấp ngân hàng ngay căn nhà, miếng đất mới mua lấy tiền trả cho người bán. Nếu muốn tên mình đứng trang trọng hơn thì người dân có thể đổi sang GCN mới. Cả hai loại giấy này đều có giá trị pháp lý ngang nhau”.

Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng ủng hộ việc áp dụng cả hai hình thức đăng ký như trên để người dân chọn. Ngoài ra theo ông Nhật, nhà và tên của người sử dụng đất thường xuyên thay đổi, còn thửa đất tương đối ổn định. Yếu tố nào ổn định nên đưa ra trang đầu tiên, còn yếu tố dễ thay đổi đưa vào trang trong cho dễ cập nhật. Như vậy mẫu GCN cần phải thay đổi cho phù hợp.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - môi trường cho rằng đa số người dân sau khi mua nhà, đất muốn làm GCN mới để đứng tên mình trên trang 1 nên Bộ Tài nguyên - môi trường chưa xem xét kiến nghị của các địa phương cũng như của tổ đề án 30. Vị này khẳng định: chỉ có những người đầu tư, mua bán nhà, đất mới muốn làm thủ tục nhanh để nhanh chóng bán lại cho người khác, trong khi quy định này phục vụ người dân mua nhà đất để ở. Nếu muốn thay đổi nội dung này phải chờ đến khi sửa đổi Luật đất đai, dự kiến vào năm 2013.

Theo một chuyên gia về nhà đất, nếu chờ sửa luật sẽ rất lâu. Nên chăng trong thời gian chờ sửa luật có thể tạm thời cho cập nhật biến động về nhà đất trên trang 4 giấy hồng.

Quy định cũ cho ghi trên GCN

Trước nay, việc cập nhật biến động trên trang 4 GCN không xa lạ đối với người dân. Mẫu GCN theo nghị định 60 (ban hành năm 1994) đã thiết kế trang 4 dùng để cập nhật những biến động sau khi cấp giấy như mua bán, thừa kế, tặng cho, thế chấp...

Tương tự, GCN ban hành theo nghị định 181 (năm 2004) tiếp tục cho phép người dân cập nhật biến động sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên trang 4. Trong quá trình thực hiện hai loại mẫu GCN trên không có nhiều rắc rối phát sinh khi người dân chuyển nhượng nhà, đất.

Sự thay đổi bắt đầu từ năm 2006, khi nghị định 90 (hướng dẫn Luật nhà ở) buộc người mua nhà phải làm thủ tục cấp lại GCN mới sau khi chuyển nhượng nhà, đất. Khi TP.HCM triển khai cấp GCN theo nghị định này đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người dân vì mẫu giấy mới không cho đăng bộ trên trang 4. Tuy nhiên vẫn có hướng ra do GCN theo nghị định này (giấy hồng) tồn tại song song với mẫu GCN của nghị định 181 (giấy đỏ) nên người dân được quyền chọn một trong hai mẫu giấy trên.

Ngày 10-12-2009, cả nước bắt đầu cấp GCN theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, bắt buộc mọi trường hợp sau khi mua bán phải đổi sang mẫu GCN mới, thống nhất từ hai loại mẫu giấy trên. Có nghĩa dù trước đó người dân được cấp GCN nào thì khi chuyển nhượng nhà, đất đều phải đổi sang mẫu GCN thống nhất theo quy định trên. Vì vậy, việc tổ đề án 30 đề xuất phương án cho cập nhật biến động trên trang 4 mẫu GCN hiện nay sau khi mua bán, tặng cho nhà đất cũng nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân.

Chúng tôi đã thăm dò “bỏ túi” với 24 chủ nhà, đất đang làm thủ tục cấp GCN tại ba quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú (TP.HCM). Theo đó, 14 người đồng tình với việc cập nhật biến động vào trang 4 GCN vì theo họ, việc đổi sang mẫu GCN mới mất quá nhiều thời gian (từ 15 ngày đến 2-3 tháng, tùy nơi) so với cập nhật (mất khoảng 5 ngày làm việc). Tám người được hỏi ý kiến nói muốn đổi sang GCN mới để đứng riêng tên mình ở trang 1, nhìn trang trọng hơn thay vì đứng chung tên với các chủ sử dụng cũ. Hai người còn lại nói GCN nào cũng được, miễn thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh là được.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ