Tăng thời hạn và số lượng sở hữu nhà cho người nước ngoài

Cập nhật 26/09/2013 16:17

Nếu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần thứ 4, tháng 9/2013, Bộ Xây dựng vừa công bố được thông qua, người nước ngoài sẽ được tăng thời hạn sử dụng nhà ở thêm 20 năm và số lượng sở hữu không giới hạn.

Nếu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần thứ 4, tháng 9/2013, Bộ Xây dựng vừa công bố được thông qua, người nước ngoài sẽ được tăng thời hạn sử dụng nhà ở thêm 20 năm và số lượng sở hữu không giới hạn.

Thời hạn sở hữu nhà là 70 năm, số lượng không bị giới hạn

Theo quy định của luật hiện hành, cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được phép mua và sở hữu căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà. Số lượng căn hộ được phép mua và sở hữu tại các dự án cũng bị giới hạn không quá một căn hộ với thời hạn sở hữu là 50 năm.

Tuy nhiên, dự thảo mới của Bộ Xây dựng quy định cá nhân, tổ chức người nước ngoài sẽ được sở hữu không hạn chế về số lượng nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, dự án bất động sản du lịch. Nếu đối tượng này được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở tại khu vực khác thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Cùng với đó cũng được quyền bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, được cho thuê nhà ở đã mua để sử dụng vào các mục đích mà pháp luật Việt Nam không cấm...

Đáng chú ý, cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 70 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm được gia hạn.


Người nước ngoài được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng. Ảnh Internet

Cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể đầu tư xây dựng nhà để bán

Theo dự thảo này, Bộ Xây dựng đã quy định đối tượng nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê, cho thuê mua tại Việt Nam theo quy định của luật này.

Bên cạnh đó, danh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mua, nhận, tặng, cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam cũng thuộc diện được mua nhà ở tại Việt Nam.

Người nước ngoài không được mua nhà ở xã hội

Tuy nhiên, để được phép sở hữu nhà, cá nhân, tổ chức người nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện như tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo dự án tại Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận đầu tư và có triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản, quỹ đầu tư…thì phải có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam.

Cá nhân nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Dự thảo cũng quy định cá nhân, tổ chức người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở xã hội mà chỉ được mua và sở hữu nhà ở thương mại.

DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số