Nhiều dự án giậm chân tại chỗ lâu nay do vướng về mức bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất quá thấp.
Với chính sách hỗ trợ mới, nông dân cả nước sẽ an tâm hơn khi bị thu hồi đất. |
Nhiều dự án giậm chân tại chỗ lâu nay do vướng về mức bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất quá thấp.
Trên các số trước, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu những điểm mới trong Nghị định 69 do Chính phủ mới ban hành. Theo đó, từ ngày 1-10-2009, đất vườn, ao xen kẽ khu dân cư hoặc trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ ngoài việc được bồi thường theo giá đất sát giá thị trường còn được hỗ trợ thêm 30%-70% giá đất ở trong khu vực. Đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư được hỗ trợ thêm 20%-50% giá đất ở trong khu vực. Nông dân bị thu hồi đất được hỗ trợ chuyển nghề bằng 1,5-5 lần giá đất nông nghiệp. Nhiều chuyên gia, quan chức khẳng định văn bản này sẽ tác động lớn đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sắp tới.
Bồi thường không tăng, chỉ tăng hỗ trợ
Một chuyên viên bồi thường giải phóng mặt bằng của TP.HCM khẳng định Nghị định 69 là bước đột phá trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Như trường hợp đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ, ngoài bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 30%-70% giá đất ở của thửa đất đó, có lợi cho người dân hơn trước đây nhiều.
Ông Võ Văn Trò, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè (TP.HCM), viện dẫn quy định đất nông nghiệp xen trong khu dân cư, ngoài bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ 20%-50% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi. Ông lưu ý phần hỗ trợ này là áp dụng theo bảng giá đất ở của địa phương, diện tích được hỗ trợ không quá năm lần hạn mức giao đất ở tại địa phương.
Ông Trò nói: “Với cách tính như trên, chưa hẳn mức bồi thường tăng hơn so với hiện nay. Hiện tại, TP.HCM áp dụng giá đất để bồi thường là giá chuyển nhượng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường theo mục đích sử dụng hợp pháp. Mà giá thị trường trong điều kiện bình thường như thế nào thì phải thuê tư vấn để thẩm định giá. Sau đó, nếu UBND TP đồng ý với mức giá đó thì mới áp dụng. Mặt khác, chỉ có đất vườn, ao, đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư mới được hỗ trợ; còn những thửa đất vườn, ao, đất nông nghiệp ở các khu vực khác không được hưởng mức hỗ trợ này”.
Khung quá rộng, áp mức nào?
Theo ông Trò, điểm ưu việt của Nghị định 69 là hỗ trợ chuyển đổi nghề 1,5-5 lần tiền bồi thường đất bị thu hồi. Nhờ đó sẽ hạn chế sự xáo trộn đời sống của bà con sau khi bị thu hồi đất. Đồng tình, ông Phan Hoàng An, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn, nói: “Nghị định 69 quá tốt cho người dân có đất bị thu hồi, nhất là nông dân. Trước đây, dự án ngoài ngân sách thì mới có thêm khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của chủ đầu tư nhưng cũng chưa nhiều như trong Nghị định 69. Còn dự án sử dụng vốn ngân sách thì không có khoản này”.
Ông An đề nghị để Nghị định 69 đi vào cuộc sống cần có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND TP.HCM. Chẳng hạn trường hợp nào được hỗ trợ 1,5 lần, trường hợp nào được hỗ trợ năm lần thì nghị định chưa nêu rõ. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết nếu áp theo đơn giá đất do tỉnh, thành công bố hằng năm thì khoản hỗ trợ này cũng không bao nhiêu, do giá đất nông nghiệp theo khung chỉ từ 126 đến 136 ngàn đồng/m2. Nếu hỗ trợ gấp năm lần, tức khoảng trên dưới 500 ngàn đồng/m2 thì cũng không lớn. Nếu quy định tính đơn giá theo phương án bồi thường của dự án thì mới nhiều hơn. Ví dụ: Đơn giá bồi thường đất nông nghiệp của dự án khu đô thị mới Nhơn Đức-Phước Kiển ở huyện Nhà Bè đến 330-380 ngàn đồng/m2.
Không lo các nhà đầu tư “cháy túi”
“Trước nay, dự án bị chậm tiến độ thì nguyên nhân chủ yếu là do khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Tôi cho rằng Nghị định 69 đã đưa ra nhiều công cụ thông thoáng để gỡ rối, tạo thuận lợi cho người dân, chủ đầu tư lẫn quản lý nhà nước. Từ đó, giải tỏa tình trạng lãng phí đất đai do dự án cứ bị ngâm hoặc tình trạng “da beo” loang lổ. Nghị định 69 tăng mức hỗ trợ rất nhiều cho nông dân, vậy có làm chủ đầu tư ngán ngại do đội chi phí bồi thường lên quá cao so với trước? Tôi cho rằng không. Nếu chủ đầu tư e ngại như vậy là chưa sòng phẳng với người dân có đất bị thu hồi. Hơn nữa giá bồi thường không thỏa đáng, hai bên cứ dùng dằng dây dưa, càng chậm thì chủ đầu tư càng “chết” bởi vốn của họ là vốn huy động, vốn vay” - ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12, phân tích.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, so sánh tiền hỗ trợ Nghị định 69 đưa ra giống như trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua, rất được người dân đồng tình ủng hộ.
Dự án đang bồi thường: Có được hỗ trợ?
“Theo Nghị định 69, những trường hợp dự án đã chi trả xong hoặc đang bồi thường, những dự án đã phê duyệt phương án khung bồi thường, hỗ trợ trước ngày 1-10-2009 thì không được hỗ trợ theo Nghị định 69. Tôi băn khoăn là thành phố hiện có hàng trăm dự án dở dang, khi Nghị định 69 có hiệu lực, người dân không thể tránh khỏi chuyện so bì, thắc mắc” - vị chuyên viên nêu trên cảnh báo. Ông Hổ đồng tình cho rằng thực tế phải xem xét cụ thể lại đối với các dự án đang bồi thường dở dang. “Quận 12 sẽ kiến nghị với thành phố giải quyết sao cho phù hợp” - ông Hổ nói.
Giảm bớt dự án “treo”
Theo một chuyên viên bồi thường giải phóng mặt bằng của TP.HCM, với Nghị định 69 không chỉ người dân có lợi mà sự điều chỉnh giá bồi thường, hỗ trợ là xuất phát từ yêu cầu thực tế. Trước đây, giá bồi thường ở nhiều dự án không sát với giá thị trường, không hợp lòng dân. Do đó, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư (kể cả chủ đầu tư là nhà nước) không gặp nhau, phát sinh khiếu kiện, tranh chấp. Nhiều dự án kéo dài năm này sang năm nọ và khi chậm bồi thường thì sau đó phải xem xét lại giá. Nghị định 69 kéo khoảng cách giữa người bị thu hồi đất và chủ đầu tư gần lại, tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn. Nhờ đó, mặt quản lý nhà nước cũng tốt hơn, hạn chế những dự án “treo” nằm mốc meo trên giấy.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP