Tạm dừng, nếu nằm trong vành đai xanh

Cập nhật 27/03/2010 14:30

Liên quan tới đề xuất xử lý 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội (trong đó có 143 đã nộp hồ sơ), đầu tháng 3-2010, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất cho phép 50 đồ án, dự án (xếp loại 1) được tiếp tục triển khai, không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.


Không phải dự án nào cũng dễ dàng vượt qua rà soát
Ý kiến mới nhất của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn cho biết, trong số 50 dự án, đồ án Hà Nội đề xuất cho “đi” ngay mà không cần thêm thủ tục gì, có 8 dự án dự kiến sẽ phải tạm dừng, chưa xem xét bởi nằm trong vành đai xanh dọc sông Nhuệ và trục Thăng Long.

Đề nghị dừng 8 dự án trong vành đai xanh

Liên quan tới đề xuất xử lý 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội (trong đó có 143 đã nộp hồ sơ), đầu tháng 3-2010, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất cho phép 50 đồ án, dự án (xếp loại 1) được tiếp tục triển khai, không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Loại 2 với số lượng nhiều nhất, gồm 87 dự án, đồ án phải điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo. Loại 3 gồm 6 dự án, đồ án không nằm trong phạm vi phát triển đô thị, công nghiệp, hoặc bị ảnh hưởng bởi trục Thăng Long và trong phạm vi vành đai xanh theo đồ án quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, đối với 50 đồ án, dự án xếp loại 1, Bộ thống nhất cho triển khai 42 đồ án, dự án. Đối với 8 dự án còn lại, trong đó, có một số dự án bất động sản như Khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì), Khu nhà ở xã Đại Mỗ (Từ Liêm)... do chưa có hồ sơ, lại nằm trong vành đai xanh dọc sông Nhuệ và Trục Thăng Long, chức năng không còn phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nên Bộ Xây dựng đề nghị tạm dừng, chưa xem xét.

Trong số 42 đồ án, dự án cho “đi” tiếp, cũng sẽ không có chuyện không thêm thủ tục nào bởi Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh cục bộ về không gian, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực và phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Chẳng hạn, như dự án Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, cần giảm mật độ xây dựng, giảm quy mô dân số, tăng diện tích cây xanh - bãi đỗ xe đảm bảo phù hợp với định hướng tổ chức không gian khu vực vành đai 3 - vành đai 4 dự kiến khuyến khích phát triển xây dựng cao tầng”. Với 87 đồ án, dự án loại 2, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Hà Nội, song cần rà soát kỹ một số đồ án, dự án có thể đưa được lên loại 1 để triển khai sớm.

Còn cơ hội “sửa sai”

Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình rà soát, đánh giá dự án, đồ án, Hà Nội cần xem xét, cân đối về số lượng các dự án phát triển đô thị, công trình y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa... đảm bảo phân bố cho hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, tránh tình trạng tập trung nhiều dự án có cùng chức năng ở cùng một khu vực.

Đối với 101 đồ án, dự án chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ quy hoạch cho Hà Nội (Báo An ninh Thủ đô đã có bài phản ánh), đến nay, vẫn chưa rõ lý do thực sự khiến các doanh nghiệp chậm trễ nộp hồ sơ. Có người cho rằng, hồ sơ quy hoạch của các dự án này có vấn đề nên nhà đầu tư cố tình che giấu. Người khác lại cho rằng, do cùng với việc nộp hồ sơ, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan tới dự án với Nhà nước nên họ cố tình trốn tránh. Luồng dư luận thứ hai dường như có lý hơn bởi với gần 800 dự án lớn, trong đó, bất động sản chiếm đa số, Hà Nội sau mở rộng đã “bội thực” dự án phát triển đô thị. Nếu thị trường “sôi” còn đỡ, nhưng hiện nay, thị trường lại ảm đạm nên việc “tiêu hóa” số dự án này khó khăn chồng chất, khiến nhà đầu tư trót “ôm” dự án càng thêm chần chừ, thà “bỏ của chạy lấy người” chứ không muốn đổ thêm chi phí.

Liên quan tới 101 đồ án, dự án “nợ” hồ sơ quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, sẽ tiếp tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và có văn bản gửi trực tiếp cho chủ đầu tư để yêu cầu tiếp tục cung cấp hồ sơ cho tổ công tác rà soát, khớp nối hạ tầng kỹ thuật. Nếu sau 30 ngày chủ đầu tư nào không nộp hồ sơ, Hà Nội sẽ tổ chức thu hồi dự án để giao cho doanh nghiệp khác có đủ năng lực thực hiện. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn hoàn toàn đồng ý với hướng xử lý như trên của Hà Nội.

Như vậy, dù muộn song cánh cửa lớn vẫn chưa khép hẳn lại với nhà đầu tư. Thời gian ngắn sắp tới sẽ đủ chứng minh, liệu có diễn ra cuộc “tháo chạy” quy mô lớn của các nhà đầu tư bất động sản khỏi Hà Nội.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô