Vấn đề sở hữu đất đai, giá đất, thu hồi đất, quy hoạch đất được nhiều người quan tâm, góp ý kiến.
Vấn đề sở hữu đất đai, giá đất, thu hồi đất, quy hoạch đất được nhiều người quan tâm, góp ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26/9. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội hóa 13, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không được thông qua theo dự kiến chương trình. Lý do là dự thảo còn nhiều điểm không sát với thực tế. Trong đó, vấn đề sở hữu đất đai, giá đất, thu hồi đất, quy hoạch đất được nhiều người quan tâm, góp ý kiến.
Sở hữu toàn dân đối với đất đai, đó là chế độ sở hữu hay hình thức sở hữu? Đây là băn khoăn của ông Vũ Văn Tuấn, Bộ môn Pháp luật, trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
"Sở hữu toàn dân chỉ được ghi nhận với tư cách là chế độ sở hữu, còn hình thức sở hữu thì không có hình thức sở hữu toàn dân mà chỉ có hình thức sở hữu nhà nước. Văn bản luật không cắt nghĩa rõ ràng, mạch lạc là chế độ sở hữu hay hình thức sở hữu thì dẫn đến những câu chuyện khác. Đất đai đang tồn tại dưới dạng tài nguyên và tài nguyên quý hiếm này đương nhiên thuộc về quốc gia chứ không phải thuộc về ai khác. Nhưng đối với quyền sử dụng đất thì có thể thuộc về quốc gia, cá nhân hay nhóm cá nhân. Trong trường hợp này Luật đất đai chưa cắt nghĩa rõ ràng"- ông Vũ Văn Tuấn nói.
Đối với vấn đề quy hoạch sử dụng đất, ông Tuấn ủng hộ quy hoạch đất cấp xã vì nó phù hợp với 4 cấp hành chính hiện nay.
Bên cạnh đó, quy hoạch đất cấp xã sẽ bảo đảm tính chi tiết, dân chủ. Người dân được tham gia vào quy hoạch sử dụng đất cấp xã thì sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giảm khiếu kiện, khiếu nại hay tranh chấp đất đai.
Khi thu hồi đất phục vụ các mục đích khác nhau thì Nhà nước nên sử dụng một loại giáđể bồi thường và nên sử dụng cơ chế thỏa thuận.
Cũng về vấn đề thu hồi đất và giá đất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: cần giải thích rõ, việc thu hồi đất nhằm mục đích gì: "Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định liên quan đến thu hồi vì mục kinh tế xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, với quy định quan trọng như vậy mà không có khâu giải thích. Trong phần từ ngữ của dự thảo sửa đổi, không có phần giải thích thuật ngữ thế nào là dự án kinh tế xã hội, thế nào là lợi ích chung, vì mục tiêu chung. Tôi cho rằng cần bổ sung để tránh trường hợp nhân danh lợi ích chung, dự án kinh tế xã hội của địa phương để chiếm đoạt tài sản công, tài sản của người khác thành của mình".
Để tránh thu hồi đất tràn lan, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật nên quy định những hạn mức đất được phép thu hồi theo từng cấp. Ví dụ Quốc hội được thu hồi đất với hạn mức nào, Chính phủ và Hội đồng nhân dân được thu hồi hạn mức cụ thể ra sao. Khi thu hồi đất cần có quy định về giá đền bù đất sát với giá thị trường hay giá khung quy định của chính quyền địa phương…
Sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, Ban soạn thảo luật đất đai sửa đổi đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng, cơ bản giải quyết được những vấn đề bất cập đang nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Trong đó, bổ sung các quy định về việc đảm bảo ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi, thông qua việc bồi thường, trả tiền đầy đủ, kịp thời…
Dự thảo luật đất đai sửa đổi sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/9. Đây được coi là bước đệm quan trọng trước khi có thể thông qua Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, dự kiến sẽ bắt đầu từ 21/10 tới.